Sức hút của thị trường thế giới với ngành dừa ngày càng lớn, doanh nghiệp Việt Nam lo điều gì?

Sức hút của thị trường thế giới với ngành dừa ngày càng lớn, doanh nghiệp Việt Nam lo điều gì?

Doanh nghiệp Việt Nam đề nghị cần có chính sách hạn chế xuất khẩu thô trái dừa, vốn là nguồn nguyên liệu chính cho các nhà máy chế biến sâu trong nước. Việc này vừa giúp tăng giá trị cho dừa, vừa tạo công ăn việc làm tại địa phương

Nhu cầu dừa hữu cơ rất lớn

Tỉnh Bến Tre có trên 78.000ha dừa, trong đó có hơn 17.200ha đạt chuẩn hữu cơ. Dừa hữu cơ ở Bến Tre chủ yếu là dừa công nghiệp dùng làm các sản phẩm như dầu dừa tinh khiết, cốt dừa, cơm dừa nạo sấy (khác với dừa uống nước).

Tỉnh Bến Tre có trên 78.000ha dừa, trong đó có hơn 17.200ha đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: Dân Việt

Ông Nguyễn Văn Hây - Giám đốc HTX Sơn Phú (huyện Giồng Trôm, Bến Tre), cho biết HTX có 185 xã viên, với diện tích 100ha. HTX đang ký hợp đồng liên kết tiêu thụ dừa trái với Công ty TNHH thực phẩm Dừa Xanh (Green Coco Foods). Bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng 80-100 tấn dừa trái đã lột vỏ cho doanh nghiệp.

Theo ông Hây, nhu cầu dừa hữu cơ rất lớn, nhất là các doanh nghiệp cần sản phẩm đạt chuẩn cung cấp cho các thị trường khó tính như Mỹ, EU. 

HTX đang cùng doanh nghiệp xây dựng vùng trồng dừa hữu cơ trên diện tích 300ha. Việc trồng dừa hữu cơ vừa đảm bảo quyền lợi của thành viên và nông dân trồng dừa khi tăng tính cạnh tranh của HTX so với các đơn khác.

Khi vườn dừa hữu cơ cho thu hoạch ổn định, sản lượng của HTX sẽ tăng lên gấp đôi so hiện tại, từ 160-200 tấn/tháng. HTX cũng sẽ tổ chức lại không gian thu mua, đầu tư thêm thiết bị sơ chế dừa và chế biến phụ phẩm dừa thành phân hữu cơ.

HTX Sơn Phú đang cung ứng 80-100 tấn dừa trái đã lột vỏ cho doanh nghiệp. Ảnh: Dân Việt

Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đang liên kết với nông dân trồng dừa hữu cơ trên diện tích 10.200ha ở 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh. Bà Trần Quế Trang - Tổng giám đốc Betrimex, cho biết mỗi năm công ty thu mua 144 triệu trái dừa hữu cơ. Tuy nhiên, diện tích liên kết và sản lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của công ty.

Ngoài phát triển các vùng trồng bền vững, phòng thí nghiệm của Betrimex đang phát triển dừa giống năng suất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Từ lúc lấy phôi đến khi xuất vườn là 12 tháng. Công ty đang có tổng cộng 1.023 cây dừa mẹ, với khả năng cung cấp 100.000 trái dừa giống mỗi năm.

Sau thời gian nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và đưa ra vườn ươm, những cây dừa này được quay về để cung cấp cho bà con nông dân cải tạo hoặc trồng mới vườn dừa nhằm tái tạo vùng trồng.

"Việc cung cấp gióng tốt còn nhằm đảm bảo chu trình tuần hoàn, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, hướng tới nông nghiệp bền vững", bà Trang chia sẻ.

Dừa giống sau quá trình nuôi cấy mô được đưa ra vườn ươm. Ảnh: Dân Việt

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, xâm nhập mặn hằng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long có ảnh hưởng nhất định đến năng suất và sản lượng, gây thiếu hụt nguyên liệu dừa trái phục vụ chế biến xuất khẩu.

Việt Nam còn thiếu rất nhiều giống dừa cho vùng hạn mặn, vùng nắng nóng. Nuôi cấy mô được xem là giải pháp phù hợp. Hiệp hội đề xuất doanh nghiệp đầu tư phòng nghiên cứu cấy mô, tạo nguồn giống phù cho từng vùng, vừa tạo vùng nguyên liệu cho riêng mình.

Lo thiếu nguyên liệu dừa công nghiệp cho chế biến

Công ty Green Coco Foods hiện có vùng trồng dừa hữu cơ rộng 1.350ha. Đại diện công ty cho biết rất nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng đã liên kết hộ dân, HTX để đầu tư vùng nguyên liệu hữu cơ với chi phí đầu tư rất lớn.

Do đó, đơn vị đề xuất, quá trình tiếp nhận hồ sơ cấp mã số vùng trồng cần được kiểm tra, đối chiếu và niêm yết công khai, để tránh trùng lắp mã vùng trồng, chồng lấn vùng nguyên liệu hữu cơ của các doanh nghiệp, sẽ gây nhiều hệ lụy về sau.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã liên kết hộ dân, HTX để đầu tư vùng nguyên liệu hữu cơ với chi phí đầu tư rất lớn. Ảnh: Dân Việt.

Theo bà Trần Quế Trang, việc liên kết trực tiếp với nông dân sẽ giúp công ty ổn định giá thu mua và truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thêm chính sách hỗ trợ về vốn của Nhà nước cho các dự án hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang canh tác bền vững.

Đồng thời, các chính sách cần hướng tới việc sản xuất ra được sản phẩm cuối cùng để đưa đến tay người tiêu dùng. Theo đó, Betrimex kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hạn chế xuất khẩu thô với dừa công nghiệp, vốn là nguyên liệu ngành chế biến trong nước.

Nếu tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu xảy ra, các sản phẩm chế biến sâu đã có thượng hiệu trên thị trường không chỉ bị giảm lợi thế cạnh tranh, mà trong nước khó tạo được môi trường khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu. Trong khi đó các nhà máy chế biến tạo thêm công ăn việc lại ngay tại địa phương.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex). Ảnh: Dân Việt.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, xuất khẩu trái dừa tươi chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dừa, nhưng lại là mà mặt hàng dễ khẳng định thương hiệu cho sản phẩm dừa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mỹ đã cho phép nhập khẩu chính ngạch trái dừa tươi của Việt Nam. Trung Quốc cũng đang xây dựng nghị định thư về nhập khẩu mặt hàng này. Tương lai, sức hút cho mặt hàng là rất lớn.

Ông Cao Bá Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho rằng, việc đàm phán Nghị định thư xuất khẩu trái dừa tươi sang thị trường Trung Quốc và sang các thị trường khác, cần quy định rõ mã ngành và tiêu chuẩn để phân loại cho loại dừa tươi (dừa lùn) và dừa sản xuất công nghiệp (dừa cao, dừa lai).

Ngoài việc khuyến khích đầu tư xuất khẩu dừa tươi; chính sách cần hạn chế việc xuất khẩu dừa công nghiệp, vốn đang là nguồn nguyên liệu chính cho nhiều doanh nghiệp chế biến sâu trong nước. "Việc này vừa giúp tăng giá trị trái dừa, tạo công ăn việc làm tại địa phương", ông Khoa chia sẻ.

Nguồn: Dân Việt

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận