Thanh long thuận tự nhiên – Phát triển mô hình “mới” kiểu “cũ” để người dân Việt thưởng thức trái cây ngọt lành
Khi mới nghe qua, có thể một số người lầm tưởng thanh long thuận tự nhiên là một giống mới. Nhưng thực chất không phải vậy, đây là giống thanh long được trồng bình thường, phát triển tự nhiên với giá trị dinh dưỡng tuyệt vời. Ý tưởng này không phải quá mới mẻ, nhưng đó là hướng đi bền vững mà nông dân Lê Văn Chín tâm huyết để người dân Việt Nam được thưởng thức loại quả không chỉ ngon ngọt mà đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Tốt nghiệp ngành thủy sản nhưng lại bén duyên với cây trái miệt vườn, mấy chục năm qua, ông Lê Văn Chín (ngụ huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) xem cây thanh long như một phần thứ yếu trong cuộc sống của mình. Sau thời gian dài gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, cung cấp đủ cho mọi thị trường từ trong đến ngoài nước, ông Chín quay lại canh tác thanh long theo hướng thuận tự nhiên.
Nỗi day dứt khôn nguôi về cây trái “sạch”
Xót xa trong một chuyến thăm hỏi người thân mắc ung thư tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ông Lê Văn Chín không ngừng suy nghĩ về bức tranh sinh tồn tuần hoàn mà con người chúng ta đang phải đối mặt. “Có phải việc lạm dụng phân thuốc quá nhiều trong sản xuất và chế biến thực phẩm đã vô hình chung khiến cho tỷ lệ bệnh ung thư tại Việt Nam càng tăng cao?” Nghĩ một phần cũng từ ăn uống mà ra. – Ông Chín thở dài.
Hầu hết ai cũng đều biết rằng quá trình ăn uống hàng ngày có những tác động rất lớn đối với sức khỏe của con người. Tuy nhiên từ “biết” đến “hiểu” và “ý thức” được lại là một câu chuyện khác. Ở bất kỳ sản phẩm nào, ngay cả đối với thực phẩm cũng không ngoại lệ; người tiêu dùng Việt thường chuộng mẫu mã, ưa thích cái vẻ bề ngoài “bóng bẩy” mà ít khi để ý đến chất lượng “thật” bên trong. “Cầu” kéo theo “cung”, vì lẽ đó mà không ít người nông dân đã tạo ra quá nhiều sản phẩm kém chất lượng, dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Khoảng hơn 300.000 người Việt Nam đang phải chiến đấu với ung thư, mỗi năm có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong. Đây thực sự là những con số “biết nói” buộc chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận và cách làm.
“Tại sao không trồng rau quả tự nhiên như ông bà mình ngày xưa trồng cây cải, cây chuối, cây cam,.. sau vườn nhà để chính người dân mình được ăn ngon, sống khỏe?”
Trăn trở như vậy và nông dân Lê Văn Chín ấp ủ ý định làm thanh long thuận tự nhiên – Một mô hình “cũ” nhưng “mới” mà khi ai mới nghe qua lần đầu cũng đều không khỏi ngạc nhiên. Kể từ đó, câu chuyện thanh long thuận tự nhiên bắt đầu. Ông Chín quyết định gác lại toàn bộ sản xuất thanh long xuất khẩu trước đó mà chuyển sang hướng trồng thuận tự nhiên.
Không thể mãi dựa dẫm vào thị trường xuất khẩu
Những năm trở lại đây, cùng với Tiền Giang, Bình Thuận,.. Long An là địa phương sở hữu vùng chuyên canh thanh long lớn nhất cả nước. Trong đó, thanh long ruột đỏ là giống phổ biến được người dân trồng tập trung ở những huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa và TP. Tân An.
Trước nhu cầu xuất khẩu lớn đi kèm không ít lợi nhuận “béo bở” từ thị trường Trung Quốc, nhiều bà con Long An đã dần chuyển đổi gần 90% mô hình sang cây thanh long ruột đỏ, khiến cho diện tích canh tác thanh long nơi đây tăng đáng kể. Hiện, toàn tỉnh Long An có trên 11.000 ha thanh long phân bố chủ yếu các huyện: Châu Thành (9.100ha), Tân Trụ (1.000ha),…
Mấy năm qua, cây thanh long ruột đỏ đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhà vườn. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hecta thanh long ruột đỏ người dân đạt lợi nhuận từ 400 – 700 triệu đồng/ha/năm.
Tuy vậy, phần lớn đầu ra của loại nông sản này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Một khi thị trường nước ngoài biến động, người dân không kịp “trở tay” sẽ dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ, “được mùa, mất giá”.. Thời gian gần đây, tác động nặng nề của dịch Covid-19 cũng đã khiến cho tình hình xuất khẩu thanh long bấp bênh, cánh cửa xuất khẩu dần thu hẹp.
Sau nhiều năm gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, mặc dù chứng kiến không ít hộ dân vươn lên thoát nghèo từ loại trái cây này, nhưng trong lòng ông Chín vừa mừng, cũng vừa lo – “Liệu bao giờ thì dân mình mới thôi lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc?”, “Có cách nào để nâng cao giá trị trái thanh long quê mình? Làm sao để bà con yên tâm thưởng thức hoa quả sạch ngọt lành mà đảm bảo an toàn cho sức khỏe?…
Làm thế nào để không phải phụ thuộc vào thị trường nước ngoài? Chỉ có cách làm chủ được thị trường nội địa mới là phương án tốt nhất để đảm bảo đầu ra hiệu quả cho nông sản.
“Phải làm ngay từ bây giờ. Không là bây giờ thì là bao giờ!” – Ông Chín nghĩ như vậy và bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng “thanh long sạch”.
Mô hình thanh long “mới” – kiểu “cũ” đầy triển vọng
Hầu hết nhà vườn tại Tân Trụ (Long An) áp dụng quy trình trồng và chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên theo ông Chín, để nâng cao hơn nữa giá trị và chất lượng “sạch” cho trái thanh long, nên áp dụng trồng truyền thống.
Ông Chín cho biết, cách trồng thanh long thuận tự nhiên vô cùng dễ dàng. Toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây thanh long thuận tự nhiên chỉ yêu cầu cần cung cấp đủ nước cho cây.
Phương pháp này tuyệt đối không vuốt ngoe kích thích cho tai cứng xanh, trái bóng đẹp; việc này cắt giảm gần như tuyệt đối thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Chỉ cần bón phân vi sinh tự nhiên và dùng một lượng rất ít phân bón hóa học vào duy nhất một lần lúc cây mới bắt đầu ra nụ hoa. Cách này vừa đỡ tốn công chăm sóc, đồng thời giúp tiết kiệm phần nào chi phí phân, thuốc như bình thường.
Chính bởi tuân thủ quy trình sản xuất thanh long sạch mà trái thanh long thuận tự nhiên sẽ tồn tại một vài hạn chế kém bắt mắt về bề ngoài như vỏ sần sùi, không bóng bẩy. Do vậy, đầu ra của trái thanh long này sẽ khó khăn hơn khi đưa vào hệ thống các siêu thị hay đi xuất khẩu sang các thị trường khó tính được như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, kể cả thị trường Trung Quốc,…
Quá trình thu hoạch thanh long thuận tự nhiên cũng được đảm bảo nghiêm ngặt, thực hiện cách ly một tháng không bón phân. Tuy bên ngoài vỏ khá xấu xí nhưng nhưng chất lượng bên trong trái vẫn hoàn toàn đảm bảo. Vỏ trái thanh long thuận tự nhiên rất mỏng, gần như sát với phần thịt. Màu quả đỏ thẫm tự nhiên, đặc biệt rất giòn ngọt, không hề bị bở hay tơi xốp. Thông thường, hình dạng trái thanh long thuận tự nhiên khá mập mạp và tròn trịa, tai mềm có màu hồng cùng màu vỏ quả. Trái thanh long này tuy có hình dáng khá nhỏ nhưng cầm khá chắc tay, trọng lượng trái trung bình rơi vào khoảng 600-700 gram.
Người Việt Nam trong trái tim tôi
“Thuận tự nhiên” là kiểu mẫu nông nghiệp từ rất lâu đời, tuy nhiên, nếu thành công thì sẽ mang lại giá trị rất lớn. Giá trị ở đây không hẳn chỉ nằm ở chất lượng dinh dưỡng của loại quả mà hơn hết là ở giá trị an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. – Nông dân Lê Văn Chín chia sẻ.
Vì lẽ đó, ông Chín quyết tâm mang trái thanh long sạch đến gần hơn với người tiêu dùng bằng tình yêu người Việt.
Mặc dù thanh long thuận tự nhiên rất nhọc nhằn trong việc vươn ra thị trường thế giới, nhưng nông dân Lê Văn Chín vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng mô hình này để chinh phục thị trường nội địa. Không đánh đổi giá trị lâu dài để lấy các giá trị trước mắt, ông Chín chấp nhận mọi trường hợp rủi ro và để bắt đầu lại từ đầu với tâm nguyện mang đến cho người dân nước mình những thức quả sạch ngọt lành, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Ông Chín bày tỏ: “Bản thân tôi khao khát dùng được trái cây sạch, nhất là loại hoa quả do chính mình trồng ra. Tôi cũng mong muốn gia đình, những người thân và người tiêu dùng Việt Nam cũng được thưởng thức những loại quả dinh dưỡng ấy.” Đối với ông, điều hạnh phúc và vui sướng nhất là khi người tiêu dùng của mình được thưởng thức trái thanh long sạch, bổ dưỡng, an toàn cho sức khỏe.
Ông Lê Văn Chín từng tâm huyết rằng, khi hợp tác xã Quê Mỹ Thạnh quê ông phát triển thành công mô hình thanh long thuận tự nhiên và trở thành một vùng nguyên liệu lớn, ông sẽ tự mình rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước. Bằng mọi cách, ông phải đưa được trái thanh long sạch đến tay người dân mình.
Nhưng để một cá nhân có thể thực hiện được điều đó là điều không mấy dễ dàng. Thật may mắn, ông Chín có cơ hội trao đổi với Food Connect về ý tưởng này. Ông nhận thấy đây chính là thời cơ thuận lợi để giới thiệu trái thanh long sạch quê mình đến gần với người tiêu dùng Việt.
“Làm việc tốt thì mới làm được chuyện lớn” – Ông Chín xác định như vậy khi trở thành thành viên của FarmersVietnam – Cộng đồng nông dân và người làm nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Chín, đây chính là cơ hội tuyệt vời để đóng góp phần nào vào việc nâng cao giá trị cho nông sản Việt. Hơn hết, thông qua đó sẽ nâng cao ý thức, làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động sản xuất bảo đảm chất lượng sản phẩm phía người bán cũng như một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng trong việc chọn lựa sản phẩm an toàn; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sức cạnh tranh thực phẩm tại thị trường trong nước. Ông Chín tin tưởng rằng, một khi làm việc tốt thì ắt hẳn sẽ được cộng đồng đón nhận và ủng hộ.
FarmersVietnam - Cộng đồng nông dân và người làm nông nghiệp Việt Nam
Viết bình luận
Bình luận
thanh trần 02/08/2023
thanh trần 02/08/2023
thanh trần 02/08/2023
thanh trần 02/08/2023
thanh trần 02/08/2023