Hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” tổ chức tại tỉnh Hậu Giang

Hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” tổ chức tại tỉnh Hậu Giang

Chiều 24/11, tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Trồng trọt và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham dự trực tuyến tại Hà Nội.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành và đại diện sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cảm ơn chủ đề của hội thảo mà báo Tuổi trẻ đặt ra là để người nông dân trồng lúa hưởng lợi nhiều hơn, vốn là tâm nguyện lâu nay của ông. Hội thảo được tổ chức tại Hậu Giang cũng góp phần vào chuỗi hoạt động bên lề Festival Quốc tế về ngành lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023, tạo hiệu ứng truyền thông và sự tập trung của các địa phương vùng ĐBSCL. Festival lần đầu tiên về một sự kiện chuyên môn, đánh dấu bước ngoặt của sự chuyển đổi về tư duy phát triển của ngành hàng lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Toàn cảnh hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” tại Hậu Giang (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Bộ trưởng chia sẻ, với chủ đề làm sao tăng thu nhập người nông dân trong bối cảnh giá lúa tăng hiện nay được xem như thời cơ của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Khi chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, không gian giá trị của người nông dân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo cũng thay đổi. Từ phát triển đơn giá trị sang đa giá trị trên một diện tích sản xuất, trong đó có sản xuất lúa, thu nhập của người nông dân cần có một cách tiếp cận khác, không chỉ từ hạt lúa, hạt gạo mà còn là từ các hoạt động khác, từ sản xuất sang chế biến, làm kinh tế, làm du lịch nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp khác. Đơn cử như ở vùng ĐBSCL người nông dân làm lúa – tôm, lúa – cá thì ở ngoài vùng ĐBSH làm lúa – rươi, lúa – cáy, nơi mà thu nhập từ lúa chỉ là phụ.

“Chỉ khi nào nông dân đa hoạt động, đa lĩnh vực thì sẽ đa thu nhập trên một đơn vị diện tích. Khi đó đời sống của người nông dân sẽ tăng lên. Hãy cho người nông dân thấy rằng mình có cơ hội và chính mình là người góp phần tạo ra cơ hội đó, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và các bộ, ngành chuyên môn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông qua những câu chuyện về Câu lạc bộ nông dân tỷ phú ở Bến Tre, Trà Vinh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở cần lan tỏa những mô hình này bởi họ cũng nắm trong tay tư liệu sản xuất giống chúng ta. Đã đến lúc chúng ta nên tiếp cận nông nghiệp, nông dân khác đi để tìm kiếm giá trị mới hơn là giá trị đong, đo, đếm bằng năng suất sản lượng.

Ông Trần Xuân Toàn - Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ phát biểu tại hội thảo.

Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ Trần Xuân Toàn cho biết, những gợi mở của Bộ trưởng rất xác đáng và phù hợp với các cơ quan truyền thông, với trách nhiệm lan tỏa cách tiếp cận khác để tạo ra giá trị mới cho ngành nông nghiệp.

Theo nhà báo Trần Xuân Toàn, gần 4 tháng sau mốc thời điểm Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo, làm biến động thị trường gạo thế giới, trong đó, Việt Nam chịu tác động bởi chính sách này. Giá gạo trong nước liên tục tăng, giá lúa tại ĐBSCL cũng tăng theo. Không chỉ tại Hậu Giang, vùng Tứ giác Long xuyên, giá lúa hiện trên 9.000 đồng/kg, thậm chí chưa thu hoạch đã có thương lái đến đặt mua.

Đây là cơ hội cho Việt Nam - quốc gia chuyên sản xuất lúa gạo xuất khẩu. Tuy nhiên những tác động khách quan, cơ hội thuận lợi như thế này không thể kéo dài. Từ thực tế này, hội thảo “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài” tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp giúp ngành nông nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội, gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu và giải quyết bài toán lợi nhuận cho ngành sản xuất lúa gạo.

Đồng thời đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn giúp người nông dân có lãi cao hơn, doanh nghiệp phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.

“Chưa bao giờ người nông dân vui như thế, nhưng cũng đan xen nỗi lo của doanh nghiệp làm sao để đảm bảo nguồn cung, chính sách nào để duy trì giá lúa như hiện nay. Ở góc độ cơ quan truyền thông, báo Tuổi trẻ chọn chủ đề thời sự này để tổ chức hội thảo nhằm tìm ra câu trả lời, giải pháp để người nông dân được hưởng lợi lâu dài”, ông Toàn chia sẻ.

Theo: Cổng thông tin điện tử bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn


Quý đối tác, khách hàng cần thêm thông tin hãy liên hệ:
Mạng lưới nông dân Việt Nam - Farmers Vietnam
Hotline/zalo: 0989.777.523
Email: info@farmersvietnam.vn

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận