Cuộc thi viết “Tôi chọn nghề Nông” do Mạng lưới nông dân - FarmersVietnam tổ chức từ ngày 06/11/2023 đến ngày 06/12/2023 đã mang lại nhiều câu chuyện chia sẻ thú vị từ những người nông dân chân chất, thậm chí là từ những người trẻ với nền tảng học vị, kiến thức, vẫn sẵn sàng về quê bỏ phố để lựa chọn nghề Nông. Đó là những câu chuyện truyền cảm hứng về nghề, đặc biệt là nghề Nông, góp phần lan tỏa những giá trị, đóng góp cho xã hội, cộng đồng.
Cuộc thi viết “Tôi chọn nghề Nông” do FarmersVietnam tổ chức
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học, chúng ta thường hay có những định hướng về nghề nghiệp sẽ lựa chọn trong tương lai. Đó có thể là nghề giáo hay kỹ sư, bác sĩ,…Trong danh sách này, hiển nhiên sẽ không có nghề Nông để chọn bởi đơn giản một điều rằng, chúng ta mặc định, nghề Nông là nghề của ông bà, cha mẹ ở quê, những người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngày đêm vất vả, cặm cụi mưu sinh, tiết kiệm từng đồng cho con ăn học thành người trí thức.
Tuy nhiên, với cuộc sống ngày nay, bên cạnh xu hướng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo thì “bỏ phố về quê” cũng là một trào lưu được người trẻ chú ý. Theo đó, có những người bỏ phố về quê vì mong cầu một cuộc sống an yên, thư thả, trồng rau nuôi cá, không bon chen tất bật với dealine, KPI,.. hay mệt mỏi với khói bụi, bê tông thị thành,… Thế nhưng, cũng có những người trẻ, sẵn sàng từ bỏ công việc tốt, sự nghiệp thăng tiến ở Thành phố chỉ để về quê, bám với đất, sống với cây, với khát vọng “làm giàu” cùng quê hương, xứ sở.
Tất cả đó có trong những câu chuyện của những người nông dân chia sẻ thông qua cuộc thi “Tôi chọn nghề nông” diễn ra xuyên suốt 01 tháng trên trang web của FarmersVietnam (https://farmersvietnam.vn/) và Fanpage Mạng lưới nông dân. Đây có thể xem là cuộc thi tuy không rầm rộ, thu hút đông đảo người tham gia nhưng lại là cuộc thi chất với những câu chuyện thật, chạm đến từng cảm xúc người đọc qua những trải nghiệm thực tế đan xen từ những nỗi buồn đi qua thất bại đến những cung bậc vỡ òa của khoảnh khắc chạm ngưỡng thành công.
Là câu chuyện của anh chàng bị gia đình và hàng xóm nói là “điên” khi từ bỏ công việc của một thuyền trưởng lương tháng tính nghìn đô để trở về quê hương Nghệ An làm lại từ đầu cùng cánh đống dứa. Sẽ không thể nói hết bao thăng trầm, vất vả, khó khăn trong 8 năm mà Hạnh - chàng trai ấy đã trải qua để từng bước có được “quả ngọt” ngày hôm nay - HTX Nông Sản Hạnh Phúc với hơn 20 ha và liên kết các hộ nông dân làm dứa sạch an toàn và nâng cao giá trị, chế biến sâu các sản phẩm từ hệ sinh thái cây dứa: dứa sấy, bột dứa, mứt dứa, bánh dứa, sợi từ lá dứa... góp phần tạo công việc, thu nhập cho hàng trăm người dân quanh vùng.
Chàng trai quê xứ Nghệ từng bị gia đình, hàng xóm nói “điên” khi bỏ nghề Thuyền trưởng
về khởi nghiệp cùng trái dứa
Cũng giống như Hạnh sẵn sàng từ bỏ nghề thuyền trưởng, câu chuyện của anh Khang Lê đang có công việc ổn định, là giám sát công trình ở TP.HCM lại quyết định quay trở về quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp, trở thành “nông dân trí thức” cũng chạm đến cảm xúc mỗi người.
Theo anh Khang Lê, trải qua bao thăng trầm, mất trắng với cây hồ tiêu một thời từng ví như “vàng đen”, đã có lúc anh thấy kiệt quệ, hoang mang với chính mình vì mất hết vốn liếng, công sức cũng như tâm huyết. Lúc đó, anh đã từng muốn bỏ cuộc nghề nông để quay lại Thành phố. Nhưng cuối cùng, vượt qua tất cả, anh quyết tâm làm lại từ đầu với vườn bưởi da xanh. 10 năm lăn lộn cùng nghề Nông, anh đúc kết một điều rằng “để làm nông nghiệp hiệu quả thì việc có học thức không có gì là dư thừa cả mà đó là một lợi thế rất lớn, thậm chí nó là 1 điều rất cần thiết bởi làm Nông bây giờ cần áp dụng những kỹ thuật mới với quy trình khoa học hợp lý, hiệu quả mới mang lại thành công.”
Thành quả thấm đẫm mồ hôi, chất xám của anh Khang Lê sau khi áp dụng quy trình khoa học, xử lý hoa bưởi nghịch vụ, cho ra hoa vào đúng thời điểm, vị trí mong muốn
“Tôi chọn nghề Nông” còn là câu chuyện ý nghĩa của anh Tuấn Trương lựa chọn quay về với quê hương Bến Tre, gắn bó với trái dừa sau 8 năm bôn ba phố thị. “Làm giàu với quê hương” tưởng chừng đơn giản nhưng có đọc, có chiêm nghiệm hành trình anh Tuấn đi qua mới thấy hết sự kiên trì, khát vọng của những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám thành công.
Anh Tuấn Trương và quả ngọt “Coco Power” – Thương hiệu dừa xiêm xanh gọt trọc
Giồng Trôm, Bến Tre
Ngoài ra, “Tôi chọn nghề Nông” còn đưa người xem đến những câu chuyện điển hình ý nghĩa như cô Lệ Thu - người phụ nữ vùng Tây nguyên gần cả đời người gắn bó với nghề Nông truyền thống, bất chợt một ngày đẹp trời của năm 2013, quyết định chuyển đổi dần sang mô hình nông nghiệp hữu cơ. Hành trình dám đổi mới ấy đã giúp gia đình cô đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ năm 2018 với 3ha hồ tiêu, liên kết cùng công ty xuất khẩu Châu Âu, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 người dân vùng dân tộc thiểu số.
Cô Lệ Thu - Người phụ nữ gần cả đời người gắn bó với nghề Nông truyền thống nhưng dám mạnh dạn, đổi mới chuyển đổi mô hình sang nông nghiệp hữu cơ
Là câu chuyện của chàng Kỹ sư thủy sản Ghi Tran tìm thấy “mục đích cuộc đời” mình khi quyết tâm từ bỏ mác Kỹ sư bao người mơ ước để trở về “bám lấy đất quê”, sống cùng trái thanh long quê nhà Bình Thuận. Từ 300 trụ rồi lên 3.000, mục tiêu năm 2025 lên 5.000 trụ thanh long chứng nhận hữu cơ, theo anh Ghi Tran “đường còn dài, khó khăn còn phía trước, nhưng với những con người dám nghĩ dám làm, mình tin rằng chúng mình sẽ làm được”.
“Tôi chọn nghề Nông” còn nhiều, nhiều những câu chuyện trải nghiệm ý nghĩa khác mà trong phạm vi bài viết này không thể kể hết. Đó là câu chuyện truyền cảm hứng của cặp vợ chồng trẻ tốt nghiệp kỹ sư, thạc sĩ nhưng chọn vùng quê Quảng Trị nắng gió khởi nghiệp cùng thực phẩm sạch Ngô Quyền; là câu chuyện của cô con gái Hồng Vân viết thay hành trình gian lao, vất vả của “lão nông” ba mình nuôi ba ba, cua đinh giúp cả gia đình thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế bền vững; chuyện của anh chủ Meron Farm áp dụng những kinh nghiệm thực tiễn sau 2 năm sống ở nông trại Israel vào nền nông nghiệp bền vững của nước nhà; chuyện của bưởi hữu cơ Mộc Ân chuyển từ nông nghiệp hữu cơ đến nông nghiệp tuần hoàn hay chuyện của Thầy giáo Hiệp đi làm nông dân,… tất cả như chạm vào từng cung bậc cảm xúc của những người đã, đang và sẽ lựa chọn đồng hành cùng nghề Nông.
Khoảnh khắc đẹp nhà Nông được chia sẻ qua câu chuyện ý nghĩa của chị Thu Thảo
“Từ những mảnh đất khô cằn vẫn sẽ nở hoa nếu chúng ta không ngừng nỗ lực, kiên trì và phấn đấu”, đó cũng chính là thông điệp mà đơn vị tổ chức cuộc thi – Mạng lưới nông dân FarmersVietnam muốn truyền tải. Cảm ơn các đối tác, nhãn hiệu: Cà phê Dak Yang, tiêu Lệ Chí, Mật ong Phương Di, Sa Kê Toàn Cầu, Coco Power, GC Food, Le Chef đã đồng hành cùng FarmersVietnam qua cuộc thi ý nghĩa này, góp phần lan tỏa những giá trị đến cộng đồng nông nghiệp bền vững.
“Điều khiến chúng tôi khởi nghiệp xanh xuất phát từ mong muốn được sống trong môi trường xanh hơn, giảm lượng rác thải gây ô nhiễm ra môi trường, được hít thở không khí trong lành và đồng hành cùng bà con nông dân sống trên cánh đồng hạnh phúc” – xin trích lời của một trong những người dự thi để kết lại câu chuyện “Tôi chọn nghề Nông” cũng như mở ra một chân trời mới: Nghề Nông - cái nghề được cho là quanh năm "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng một khi bạn đã có đủ đam mê, tình yêu của bạn dành cho thiên nhiên, cho ngành nông nghiệp đủ lớn thì mỗi ngày làm việc sẽ trở nên vui vẻ và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Ban Biên tập
Bài viết tham gia Thử thách "Tôi Chọn Nghề Nông" do Mạng lưới Nông Dân tổ chức
Quý bà con nông dân, đối tác có nhu cầu hợp tác vui lòng liên hệ:
Mạng lưới nông dân Việt Nam - Farmers Vietnam
Hotline/zalo: 0989.777.523
Email: info@farmersvietnam.vn