ĐBSCL đẩy mạnh mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ

ĐBSCL đẩy mạnh mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm rạ

Quản lý rơm rạ theo hướng tuần hoàn đòi hỏi các hệ thống xử lý và tái chế hiệu quả. Thay vì đơn thuần đốt hoặc chôn rải rác rơm rạ, việc tận dụng tuần hoàn nguyên liệu này trở lại vòng kinh tế bằng cách sử dụng làm phân bón hữu cơ, chất cung cấp năng lượng hoặc nguyên liệu cho quá trình sản xuất là một xu hướng 'xanh' đem lại lợi ích cao ngày nay.

70% rơm rạ được đốt, vùi vào đất

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt, mỗi năm, tại ĐBSCL thu hoạch khoảng 24 triệu tấn lúa, tạo ra khoảng 27 triệu tấn rơm rạ. Khoảng 70% rơm rạ được đốt trên đồng hoặc vùi vào đất. Việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng đã gây mất chất dinh dưỡng có trong rơm rạ, đồng thời làm mất đa dạng sinh học và gây ô nhiễm môi trường. Còn việc vùi rơm rạ vào đất ruộng sẽ gây tăng phát thải khí mê-tan và khí thải nhà kính. Sự kiện trình diễn công nghệ, thiết bị thu gom và xử lý rơm rạ diễn ra mới đây, giúp người trồng lúa trong vùng hiểu rõ hơn về giá trị của rơm - một phụ phẩm trước nay khiến nông dân rất lo lắng về cách giải quyết sau mỗi vụ lúa.

Hàng chục triệu tấn rơm rạ đang bị lãng phí ở ĐBSCL, nếu được thu gom, xử lý thành phân bón hữu cơ sẽ mang lại giá trị rất lớn và giảm ô nhiễm môi trường (Ảnh: Internet)

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa mỗi năm với lượng rơm rạ phát sinh khoảng 47 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 24 triệu tấn lúa được sản xuất từ khu vực ĐBSCL, phát sinh khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ. Điều tra gần đây của Trường Đại học Cần Thơ cho thấy có khoảng 70% lượng rơm rạ được xử lý bằng cách đốt trên đồng và vùi vào đất, 30% được thu gom sử dụng.

Trong 30% lượng rơm rạ được thu gom sử dụng, có khoảng 30% dùng cho mục đích trồng nấm rơm; 35% sử dụng phủ gốc cây trồng và đệm lót để vận chuyển cây ăn trái; 25% phục vụ chăn nuôi gia súc và 10% được sử dụng vào các mục đích khác. Việc đốt rơm trên đồng ruộng gây lãng phí tài nguyên, dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, làm giảm đa dạng sinh học và biến đổi thành phần cơ giới của đất. Trong khi đó, việc vùi rơm rạ vào đất có thể giải quyết được vấn đề về dinh dưỡng nhưng có thể chưa giải quyết được vấn đề ngộ độc hữu cơ, làm tăng phát thải khí nhà kính.

Ông Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho biết, cùng với lượng lúa được sản xuất hàng năm khoảng 43 triệu tấn thì lượng rơm rạ phát sinh cũng khá nhiều. Tuy nhiên, lượng sinh khối này chưa được sử dụng tốt, đang gây ra một số tác hại về môi trường. Trên đường di chuyển từ Cần Thơ xuống Hậu Giang (quốc lộ 61C) ông đã chứng kiến việc người dân đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, mất chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chiếm 13% tổng lượng phát thải khí nhà kính, trong đó, ngành hàng lúa gạo chiếm khoảng 30% lượng phát thải của ngành nông nghiệp.

Tăng thêm giá trị ngoài hạt gạo

Từ thực trạng nêu trên, ông Phát cho rằng, cần có chính sách và hướng dẫn để quản lý rơm rạ ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp để tăng thu nhập cho nông dân và các đối tác có liên quan, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với thế giới trong giảm phát thải khí nhà kính.

Gần đây, IRRI đã phối hợp với Bộ NN-PTNT và các đối tác liên quan triển khai các giải pháp công nghệ chuyển đổi lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho Việt Nam, tổ chức các sự kiện trình diễn đồng ruộng về cơ giới hóa gieo sạ chính xác, các công nghệ và thiết bị hỗ trợ nông nghiệp tuần hoàn như cơ giới hóa thu gom rơm khô và rơm ướt, sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm… Đồng thời, các hoạt động cũng hướng đến xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh lúa chất lượng cao phát thải thấp, trong đó, quan tâm đến khâu quản lý rơm rạ.

Các hoạt động này của IRRI nhằm tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững, đặc biệt, ủng hộ triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL.

Máy trộn rơm để làm phân hữu cơ được trình diễn tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang (Ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia nông nghiệp, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các địa phương, tuyên truyền để người dân hiểu rõ về lợi ích của rơm và tác hại của sự lãng phí tài nguyên này. Đặc biệt, cần có sự trợ lực về chính sách hỗ trợ để hợp tác xã, doanh nghiệp mua máy móc, đầu tư dây chuyền xử lý rơm.

Tổng hợp

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận