(Phần 3) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối cho nông dân - Thu hoạch và bảo quản

(Phần 3) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối cho nông dân - Thu hoạch và bảo quản

I. Thu hoạch và bảo quản

1. Thu hoạch

Buồng chuối đạt tiêu chuẩn phải thẳng, quả chuối tròn đều, màu sắc xanh tự nhiên, đảm bảo đúng chất lượng thương phẩm. Độ chín thu hái của chuối là lúc độ già đạt 85 - 90%. Lúc đó vỏ chuối còn xanh thẫm, quả đã lớn hết cỡ, đầy đặn, hầu như không còn gờ cạnh, thịt chuối có màu trắng ngà đến vàng ngà. Độ chín thu hái của chuối thường đạt được sau 115 - 120 ngày phát triển kể từ khi trổ hoa.

Khi thu hoạch phải cẩn thận, đảm bảo buồng chuối không rơi xuống đất, tránh chuối bị bẩn; không để dập buồng, dập quả hay quả bị sây sát.

Sau khi cắt buồng nên dựng ngược buồng chuối ở nơi thoáng mát cho chảy bớt nhựa trong 2 - 3 ngày. Sau thu hoạch, cây mẹ cần được cắt bỏ.

2. Bảo quản chuối sau thu hoạch

Trong quá trình vận chuyển và bảo quản, chuối có thể bị nhiễm bệnh do các loại vi trùng và nấm mốc như bệnh mốc khô làm cho chuối khô héo, sẫm màu, lan dần từ một điểm ra toàn quả; bệnh thối cuống và thịt quả... Quả chuối bị bệnh chẳng những chóng thối rữa mà cường độ hô hấp tăng rõ rệt so với quả lành, dẫn đến rút ngắn chu kỳ sinh lý của quả.

Để kéo dài thời hạn bảo quản chuối tươi, trước hết phải có biện pháp phòng bệnh như sát trùng bằng các phương pháp vật lý, hóa học trước khi bảo quản dài ngày. Có thể tách chuối ra từng nải nguyên hay quả rời theo khối lượng quy định rồi đựng trong túi ni-lông có đục lỗ 2 - 4% diện tích và cho vào thùng các-tông hoặc sọt. Mỗi hộp hoặc sọt chứa khoảng 15 - 25 kg chuối. Có thể bảo quản chuối nguyên cả buồng, được bọc trong túi PE. Buồng chuối có thể xếp dựng đứng trên giá hoặc treo trên những chiếc móc trong kho. Trường hợp phải chuyên chở đi xa, có thể bọc buồng chuối bằng rơm, rạ, hay lá chuối khô, giấy...

Chuối xanh thường được bảo quản lạnh ở nhiệt độ 12 - 14oC, độ ẩm 70 - 85%. Trong thời gian bảo quản cần theo dõi nghiêm ngặt các thông số kỹ thuật như nhiệt độ, độ ẩm, thành phần khí CO2... Phải bảo đảm thông gió nhằm giữ nồng độ CO2 không tăng và thải bớt khí êtylen sinh ra từ quá trình bảo quản. Không bảo quản chuối ở nhiệt độ thấp hơn 110C. Có thể bảo quản chuối bằng hóa chất như Topxin-M bằng cách nhúng vào dung dịch 0,1% Topxin-M, rồi vớt ra để ráo, đựng bằng túi ni-lông, sau đó có thể bảo quản ở môi trường nhiệt độ thường hay nhiệt độ lạnh. Ngoài Topxin -M còn có hóa chất khác như: Benlat, Mertect, NF44, NF35...

3. Rấm chuối chín

Rấm chuối bằng nhiệt: Cắt rời các nải chuối khỏi buồng, xếp ra sàn một ngày cho khô nhựa, rồi chất vào trong chum (lu khạp); chính giữa lu khạp chừa chỗ cắm vài thẻ hương, rồi đậy thật kín lại. Nhiệt độ từ những cây hương trong lu khạp làm chuối chín sau 2 - 3 ngày. Số lượng hương ít hay nhiều tuỳ nhiệt độ khí trời và khối lượng chuối trong mỗi trong lu khạp.

Rấm chuối bằng máy ở nhiệt độ thấp: Chuối được thu hoạch ở độ chín ¾. Tạo các chùm chuối 5 trái và cho chuối “lặn” ngay vào thùng nước có fluor cho sạch nhựa và sát khuẩn 5 - 10 phút. Vớt chuối ra, để ráo ở 16 - 200C và cho chuối vào tủ rấm của máy Ethylene Generator. Chuối được làm mất màu xanh bằng cách cho cồn 95% vào máy, khoảng 2 - 5 ml/m3, chỉnh chế độ máy tạo khí ethylen thích hợp.

Giai đoạn chuyển màu vỏ vẫn để chuối trong tủ, đóng cửa và duy trì ở mức 140C và độ ẩm ở mức 80 - 85% cho chuối tươi lâu. Ưu thế của phương pháp rấm chuối bằng máy trong nhiệt độ thấp là bảo quản được lâu hơn, màu sắc đẹp, chất lượng không thay đổi.

II. Các nhóm chuối được trồng phổ biến ở Việt Nam

Có nhiều cách phân loại chuối. Về cơ bản có loại chuối ăn quả, loại chuối lấy lá. Ở Việt Nam có một số loại chuối phổ biến như: chuối tiêu, chuối sứ, chuối ngự, chuối tây, chuối bom, chuối xiêm, chuối quạ… Các giống chuối nhập ngoại như chuối Laba (Pháp), chuối Dac- ca (Trung Mỹ)…

1. Nhóm chuối tiêu

Chuối tiêu (ảnh internet)

Nhóm này có 3 giống là tiêu lùn, tiêu nhỏ và tiêu cao. Năng suất quả từ trung bình đến rất cao; phẩm chất thơm ngon, thích hợp cho xuất khẩu quả tươi, thích hợp với vùng có khí hậu mùa đông lạnh. Giống chuối tiêu ở miền Bắc bình quân đạt 13 - 14 kg/buồng, năng suất trung bình đạt 12 - 15 tấn/ha.

Chuối tiêu có năng suất cao, phẩm chất tốt (hàm lượng đường và axit, vitamin đều cao), vì vậy nó là giống được trồng phổ biến. Hiện nay chuối tiêu là giống có ý nghĩa nhất, nó là mặt hàng xuất khẩu chính trong các loại chuối.

Đặc điểm: Cây thấp, lá mọc sít nhau, cuống lá ngắn, có eo lá màu tím đỏ, gốc lá nhọn và sâu, cuống lá hở. Quả chuối tiêu nói chung dài và cong.

Chuối tiêu lùn: Cây cao 1,2 - 1,5 m, cây mập; lá rộng bề ngang.

Chuối tiêu vừa: Cây cao trung bình 2 - 3,5 m. Ở nước ta, còn phân biệt chuối tiêu trắng (ruột trắng) và chuối tiêu hồng. Chuối tiêu hồng khi chín vỏ quả có màu vàng tươi, thịt quả màu vàng; còn chuối tiêu trắng thịt quả nhạt hơn; vào mùa hè khi chín vỏ quả vẫn giữ màu xanh, chín trong mùa đông thì vỏ có màu vàng. Về phẩm chất, chuối tiêu hồng tốt hơn chuối tiêu trắng.

Chuối tiêu cao: Thân cây cao 2,5 - 5 m, chịu được khô hạn, quả to hơn, sản lượng cao. Một số loại chuối tiêu cao được trồng để xuất khẩu.

2. Nhóm chuối sứ (chuối xiêm, mốc)

Chuối sứ (ảnh Bách Hóa xanh)

Được trồng phổ biến ở nhiều nơi, cây cao, sinh trưởng khoẻ, không kén đất, chịu hạn, chịu nóng, dễ bị héo rụi (vàng lá Panama), buồng to, mập, ngọt đậm và kém thơm hơn so với giống khác.

3. Chuối bom

Chuối bom (Ảnh Gia Lai Food)

Được trồng phổ biến ở Đông Nam bộ, trọng lượng buồng thấp, chỉ đạt từ 6 - 8 kg/buồng. Thời gian sinh trưởng ngắn nên hệ số sản xuất cao (5 buồng trong 20 tháng/gốc) có thể trồng ở mật độ cao 1.200 - 1.500 cây/ ha nên năng suất có thể đạt 25 - 40 tấn/ha. Quả được dùng để ăn tươi, làm chuối sấy.

4. Chuối ngự (chuối cau)

Chuối ngự, chuối cau (ảnh interner)

Bao gồm chuối ngự tiến, chuối mật. Cây cao 2,5 - 3 m, cho quả nhỏ, màu vỏ sáng đẹp, thịt quả chắc, vị thơm đặc biệt, tuy nhiên năng suất thấp.

Ngoài ra còn các giống chuối lá, chuối hột nhưng các giống chuối này có diện tích trồng ít vì giá trị kinh tế thấp. Hiện nay, thị trường có loại giống chuối Laba, đặc sản của Đà Lạt - Lâm Đồng, được ưa chuộng vì giá trị xuất khẩu tương đối cao.
 

(Theo tài liệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông quốc gia)

Quý bà con nông dân có thông tin cần chia sẻ hoặc thắc mắc thì hãy liên hệ:
Mạng lưới nông dân Việt Nam - Farmers Vietnam
Hotline/zalo: 0989.777.523
Email: info@farmersvietnam.vn

 

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận