(Phần 2) Kỹ thuật giúp nông dân trồng cây có múi hiệu quả - Quản lý dịch hại tổng hợp
- Người viết: Người viết ẩn danh lúc
- Kỹ thuật trồng trọt
- - 0 Bình luận
I. Quản lý dịch hại tổng hợp
1. Khái niệm: IPM viết tắt từ tiếng Anh Integrated Pest Management, có nghĩa là Quản lý
Dịch hại Tổng hợp, IPM là biện pháp phòng trừ sâu bệnh kết hợp nhiều biện pháp một cách hài hòa, hợp lý nhằm khống chế sự phát triển của sâu bệnh hại ở dưới mức có thể gây hại, bảo vệ được cây trồng mà ít gây tác hại môi trường con người và động vật.
2. Các nguyên tắc trong IPM: Trồng cây khỏe. Bảo tồn thiên địch. Thăm đồng thường xuyên. Nông dân trở thành chuyên gia.
3. Quan điểm về phòng trừ sâu bệnh trong quản lý dịch hại tổng hợp IPM
Dựa vào mối quan hệ tương quan giữa cây trồng, sâu bệnh hại, thiên địch và điều kiện ngoại cảnh. Việc phòng trừ sâu bệnh hại theo các phương hướng sau:
Nắm rõ quy luật phát sinh và phát triển của sâu bệnh, làm thay đổi môi trường sống của chúng, tạo điều kiện bất lợi làm cho chúng không phát triển được.
Phòng trừ bằng nhiều biện pháp không phá sự vở sự cân bằng tự nhiên giữa sâu hại - thiên địch, sử dụng thuốc hóa học là biện pháp cuối cùng.
Không tiêu diệt hết các sâu hại trên đồng ruộng, mà duy trì một mật số của chúng ở dưới mức gây ra thiệt hại cây lúa.
Quản lý dịch hại tổng hợp không phải là một quy trình cứng nhắc, rập khuôn áp dụng trong mọi trường hợp, mà phải linh hoạt vận dụng một cách hợp lý.
II. Các biện pháp ứng dụng trong quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)
1. Trồng cây chắn gió và che mát giảm sáng Trồng các hàng cây dừa nước, dâm bụt, mận, tre, tràm…. chắn gió xung quanh vườn cây ăn trái để ngăn chặn sự di chuyển của sâu bệnh hại theo gió xâm nhập vào vườn.
Trồng một số cây có tàn che bớt bớt ánh sáng tạo tiểu khí hậu thích hợp trong vườn, hạn chế giảm bớt ánh sáng giảm thiệt hại do gió bão gây hại.
2. Biện pháp chọn giống
Chọn giống kháng sâu bệnh, cây giống sạch bệnh. Chọn giống ở vùng ít bệnh.
Chọn cây giống, phải đạt các tiêu chuẩn về cây giống khỏe. Chọn cành ghép, cành chiết phải được lựa chọn từ những cây khoẻ mạnh và lấy từ các vườn tốt. Lấy ở vị trí ngoài tán. Không chọn mua giống trôi nổi không rỏ nguồn gốc, xuất xứ.
3. Biện pháp kỹ thuật canh tác
Là một biện pháp làm cơ sở cho các biện pháp khác, nhằm tạo điều kiện có lợi cho cây ăn trái phát triển khoẻ chống chịu sâu bệnh và yếu tố bất lợi của môi trường. Các khâu trong kỹ thuật canh tác cây ăn trái bao gồm:
3.1. Trồng xen canh: Xen canh hợp lý là một giải pháp lấy ngắn nuôi dài, hoặc ngay cả khi xen canh giữa các cây ăn quả với nhau sẽ giúp phân tán ký chủ (canh cam quýt xen với nhãn phân tán được bọ xít hại cam, xoài xen với mãng cầu ta phân tán rệp sáp, bưởi xen với nhãn phân tán sâu vẽ bùa, cam xen với ổi xua đuổi rầy chổng cánh …). Trồng những cây xua đuổi côn trùng, chẳng hạn dây thuốc cá trồng dưới gốc xoài…
3.2. Thời vụ gieo trồng thích hợp: Tùy điều kiện đất đai, thời tiết từng vùng xác định thời vụ gieo trồng thích hợp cần dựa vào đặc điểm phát sinh gây hại của các loài sâu bệnh quan trọng, bố trí thời vụ trồng đảm bảo cho cây tránh được các đợt cao điểm của dịch bệnh.Tiêu chuẩn cây giống sạch bệnhTrồng thảm cỏ trên mặt líp giữ ẩm Trồng xen cam quýt với ổi; Cây cam quýt, Cây ổi
3.3. Vệ sinh vườn cây ăn trái: Sau khi thu hoạch hoặc trước khi trồng cây ăn trái cần thu dọn, tiêu hủy tàn dư thực vật (các trái rụng, cắt bỏ các cành, lá sâu bệnh…) vụ trước và làm sạch cỏ dại. Vệ sinh vườn cây sẽ làm giảm nguồn lây lan.
3.4. Chuẩn bị đất trồng: Đào mượng lên líp đảm bảo độ cao líp hơn mực nước cao nhất trong năm từ 40 -50 cm để tránh tình trạng ngập úng.
3.5. Mật độ trồng: Tùy điều kiện đất đai, cây trồng chọn mật độ trồng hợp lý, tối ưu cây sẽ cho năng suất cao. Trồng thưa quá cỏ dại phát sinh nhiều. Trồng dày quá, cây chen chút tạo độ ẩm cao làm sâu bệnh phát triển mạnh, năng suất giảm, quả nhỏ, tỷ lệ quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp.
3.6. Tưới nước: Tưới nước đầy đủ và đúng phương pháp sẽ làm cây sinh trưởng tốt hơn, giảm sâu bệnh đáng kể. Tránh để vườn bị úng, hạn cây sinh trưởng yếu sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Tránh để vườn ẩm quá nấm bệnh sẽ phát triển nhanh.
3.7. Bón phân: Bón phân cân đối và đầy đủ sẽ giúp cây trồng khoẻ mạnh, tăng cường sức chống chịu của cây đối với sâu bệnh và môi trường. Bón phân đúng lúc giúp ra chồi non, ra quả tập trung việc phòng trừ sâu bệnh sẽ dễ hơn. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh hoặc phân chuồng đã ủ hoai mục giúp cho đất giữ ẩm, giữ các chất dinh dưỡng, có nhiều vi sinh vật đối kháng làm hạn chế nguồn bệnh.
3.8. Cắt tỉa cành tạo tán: Cần cắt tỉa tạo tán thoáng để ánh sáng lọt vào bên trong tán giảm sâu bệnh phát triển. Tạo tán cần làm ngay từ đầu và theo dõi sửa cành hàng năm.
4. Biện pháp cơ học và vật lý
Bao trái: Bao trái bằng túi giấy, túi nylon, . . . sẽ làm mã trái đẹp hơn, ngăn ngừa sự xâm nhiễm, gây hại của các sâu hại trên trái như sâu đục trái (xoài, mận, nhãn, ổi…), ruồi đục trái… là biện pháp rất hiệu quả, hạn chế được sử dụng thuốc hóa học trực tiếp trên trái.
Sử dụng bẫy cơ học: Bẫy dính màu vàng treo vườn cây ăn trái.
Biện pháp tưới nước áp lực cao lên chồi lá non, bông (chưa nở) trong mùa nắng có thể hạn chế được sự bộc phát của một số loài côn trùng như: bọ trĩ, rệp sáp và một số loài sâu ăn lá.
5. Biện pháp sinh học:
Sử dụng nguồn thiên địch có trong tự nhiên như: một số động vật chim, tắc kè, rắn mối, ếch, nhái … ăn nhiều loại côn trùng, nhóm thiên địch ăn thịt chuồn chuồn, bọ ngựa, kiến vàng, bọ rùa, nhện, dòi ăn rệp, nhóm thiên địch ký sinh gồm các loài ong, ruồi ký sinh sâu non, trứng, nhộng.
Sử dụng nhóm vi sinh vật đối kháng: Nấm Tricoderma trộn với phân hữu cơ...
Sử dụng bẫy sinh học: Bẫy pheromone dẫn dụ ruồi đục trái.
Để giúp các thiên địch phát triển, nên hạn chế việc sử dụng các thuốc trừ sâu có phổ rộng.
Nên xen canh, giữ một số loài cỏ vì chúng cung cấp phấn hoa làm thức ăn, sinh sôi cho côn trùng có ích.
6. Biện pháp hóa học: Là biện pháp cuối cùng, chỉ áp dụng khi thật sự cần thiết nghĩa là khi áp dụng các biện pháp khác vườn cây ăn trái vẫn bị sâu bệnh ở mật số cao gây thất thu năng suất. Khi sử dụng thuốc cần tuân thủ nguyên tắc 4 bốn đúng như sau:
6.1. Đúng thuốc: Chọn đúng loại thuốc cần trừ sâu bệnh, chọn thuốc ít độc, thuốc có tác động chọn lọc, an toàn đối với người tiêu dùng. Chọn thuốc có thời gian cách ly ngắn, không lưu tồn lâu dài trong nước, đất, nông sản. Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục thuốc được phép sử dụng. Nên sử dụng nhóm thuốc sinh học, vi sinh để an toàn cho con người, động vật và môi trường.
6.2. Đúng liều lượng: Đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn để tính toán pha đúng liều lượng ghi trên nhãn bao gói thuốc, phun đủ lượng nước theo khuyến cáo. Không nên pha thuốc quá liều lượng hoặc giảm lượng nước sẽ dễ gây tái tác hại làm phát sâu bệnh, sâu bệnh kháng thuốc và tăng nguy cơ ngộ độc người phun thuốc và người tiêu thụ nông sản
6.3. Đúng lúc: Là dùng thuốc vào thời điểm mà hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao nhất, mang lại lợi ích kinh tế nhưng ít gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Phun thuốc khi mật độ sâu hại đạt tới ngưỡng phòng trừ. Các trường hợp sau đây chưa cần phun thuốc tuy đã xuất hiện sâu bệnh: Mật độ sâu hại, tỷ lệ bệnh còn thấp; Mật độ thiên địch cao, có khả năng kìm hãm sự phát triển, gây hại của sâu hại; Thời tiết không thuận lợi cho sự phát triển, gây hại của sâu bệnh; Cây trồng sẽ tự hồi phục được, không gây thiệt hại đến năng suất. Khi phải tiến hành phun thuốc, cần phun lúc sâu hại chủ yếu đang ở giai đoạn tuổi nhỏ, bệnh mới xuất hiện.Không phun thuốc lúc cây trồng dễ bị mẫm cảm với thuốc như: Cây đang ra hoa, thời tiết quá nóng. Không phun thuốc khi cây trồng dùng làm thực phẩm sắp đến ngày thu hoạch.
6.4. Đúng cách: Phun rãi thuốc đúng nơi nơi sâu bệnh, cư trú tiếp xúc với thuốc nhiều nhất. Không phun rãi khi gió quá mạnh, trời sắp mưa, trời nắng gắt, ngược chiều gió, phun kỹ không để sót. Luân phiên các loại thuốc có cơ chế tác động khác nhau để giảm tác hại của thuốc đến sinh vật và môi trường, giảm tính kháng thuốc của sâu bệnh. Đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc, tùy theo từng loại rau kết thúc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh 7-10 trước khi thu hoạch để đảm bảo rau không bị tồn dư thuốc BVTV an toàn vệ sinh thực phẩm. Hỗn hợp thuốc đúng hướng dẫn ghi trên nhãn hoặc hỏi ý kiến cán bộ chuyên môn. Hỗn hợp phải dùng ngay trong ngày. Không pha trộn quá nhiều loại thuốc với nhau sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Nguyên tắc cơ bản trong phối trộn thuốc BVTV.
Chỉ phối trộn các loại thuốc có gốc khác nhau: Thuốc gốc Lân + gốc Carbamate/Cúc; Thuốc gốc Carbamate + gốc Cúc/điều hòa sinh trưởng; Thuốc gốc Vi sinh + gốc Lân/Cúc; Thuốc trừ sâu + thuốc trừ bệnh; Thuốc trừ sâu + thuốc trừ cỏ; Thuốc trừ cỏ + phân bón lá.
Không được phối trộn trong các trường hợp: Phối trộn thuốc trừ bệnh + phân phân bón qua lá hoặc chất điều hòa sinh trưởng; Thuốc vi sinh + thuốc trừ bệnh kháng sinh.
Ghi chú:
Thời gian cách ly của thuốc BVTV
Là khoảng thời gian tối thiểu kể từ ngày sử dụng thuốc BVTV lần cuối cùng đến ngày thu hoạch sản phẩm hoặc quá trình bảo quản nông sản. Đảm bảo giữ đúng thời gian cách ly đã quy định cho từng loại thuốc BVTV trên nhãn bao bì là biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc thuốc do sử dụng nông sản còn dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) quy định.
Nhóm độc của thuốc BVTV
+ Nhóm độc I: Rất độc và độc (trên vỏ chai, bao gói thuốc có vạch màu đỏ phía dưới cùng)
+ Nhóm độc II: Độc trung bình (trên vỏ chai, bao gói thuốc có vạch màu vàng phía dưới cùng)
+ Nhóm độc III: Ít độc (trên vỏ chai, bao gói thuốc có vạch màu xanh dương phía dưới cùng)
+ Nhóm độc IV: Độc rất nhẹ (trên vỏ chai, bao gói thuốc có vạch màu xanh lá cây phía dưới cùng).
(Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Cà Mau)
(Bài tiếp theo: Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh)
Quý bà con nông dân có thông tin cần chia sẻ hoặc thắc mắc thì hãy liên hệ:
Mạng lưới nông dân Việt Nam - Farmers Vietnam
Hotline/zalo: 0989.777.523
Email: info@farmersvietnam.vn
Viết bình luận
Bình luận