(Phần 1) Quy trình trồng và chăm sóc cây hồ tiêu cho nông dân - Yêu cầu về điều kiện sinh thái cây trồng

(Phần 1) Quy trình trồng và chăm sóc cây hồ tiêu cho nông dân - Yêu cầu về điều kiện sinh thái cây trồng

I/ Về yêu cầu sinh thái

1. Nhiệt độ và độ ẩm không khí: Nhiệt độ bình quân cả năm phải trên 15°C, thích hợp 20 - 30°C. nhiệt độ tối thấp không dưới 10°C, nhiệt độ tối cao không quá 40°C và không có sương muối; Âm độ không khí Khoảng 75 - 90 %.

2. Lượng mưa: Lượng mưa cả năm thích hợp 1.000 - 3.000 mm, phân bố đều trong năm, cần có Khoảng thời gian khô hạn Khoảng 1 tháng để phân hóa mầm hoa.

3. Điều kiện đất đai:

Đất trồng hồ tiêu thích hợp ở độ cao dưới 600 m so với mực nước biển; nơi có độ cao từ 600 - 800 m nhiệt độ không khí bình quân phải trên 15°C; có Điều kiện nước tưới thuận lợi; Đất có thành Phần cơ giới nhẹ đến trung bình, tơi xốp, thoát nước tốt; Tầng đất dày trên 70 cm; Mực nước ngầm sâu hơn 2 m; Hàm lượng mùn tầng đất mặt (0 - 20 cm) > 2.0 %; pH KCl: 5.0 - 6,5.

II/ Kỹ thuật trồng và chăm sóc

1. Thiết kế vườn trồng

Thiết kế lô trồng theo từng loại trụ, có đai rừng chắn gió, cây che bóng. Nếu đất có độ dốc lớn cần tạo bậc thang riêng cho từng hàng cây, nghiêng về phía trong để chống xói mòn. Thiết kế hệ thống tiêu nước và trồng trụ hồ tiêu cùng lúc; đối với vườn hồ tiêu có địa hình tương đối bằng phẳng, cứ 2 hàng hồ tiêu đào 01 rãnh thoát nước vuông góc với hướng dốc chính, rãnh sâu 30 cm, rộng 20 - 25 cm; đối với vườn hồ tiêu có độ dốc khá, cứ 4 - 5 hàng hồ tiêu đào một rãnh thoát nước như trên. Dọc theo hướng dốc chính, Khoảng 30 - 40 m thiết kế một mương giữa hai hàng trụ, mương cắt thẳng góc với rãnh thoát nước: sâu 50 - 60 cm, rộng 40 cm.

2. Xử lý đất trước khi trồng

Đất trồng mới: đối với đất bằng, cày sâu 40 - 45 cm, phơi ải 30 ngày trở lên, sau đó bừa 3 lần.

Đối với trồng thay thế vườn hồ tiêu cũ: Thu gom thân, cành, lá, rễ còn sót lại đem phơi khô thiêu hủy. Cày sâu 40 - 45 cm; phơi ải 30 ngày trở lên, sau đó bừa 3 lần, tùy thuộc mức độ bệnh của vườn trước khi trồng thay thế, luân canh 1- 2 năm với cây họ đậu trước khi trồng hồ tiêu.

Đối với đất trồng cây ăn quả lâu năm, đất trồng cà phê già cỗi thanh lý, cày sâu 40 - 45 cm, rả rễ và đốt, luân canh 2 - 3 vụ với cây họ đậu trước khi trồng hồ tiêu.

Đất chua, pH KCl <5 bón Khoảng 1 - 2 tấn vôi bột / ha vào lần bừa cuối cùng.

3. Trụ hồ tiêu

3.1. Trụ sống

Yêu cầu trụ sống: Loại cây sinh trưởng nhanh, khỏe, thân cứng, vỏ tương đối nhám để hồ tiêu dễ bám; Bộ rễ ăn sâu để không cạnh tranh dinh dưỡng với cây hồ tiêu; Ít lá hoặc tán thưa để không che ánh sáng của cây hồ tiêu, có khả năng chịu tỉa cành nhiều lần trong năm nhưng không chết; Ít sâu bệnh hoặc không phải là cây ký chủ của sâu bệnh chính hại hồ tiêu: Thông thường chọn cây họ đậu hoặc một số cây có thể trồng bằng cành.

Một số loại trụ hồ tiêu sống:

Duyên hải miền Trung: lồng mức (Wrightia annamensis), keo dậu (Leucaena leucocephala), mit (Artocurpus heterophyllus) trồng với Khoảng cách 2,5 x 2,5 m: 2.5 x 3,0 m hoặc 3,0 x 3,0 m, mật độ 1.100 - 1.600 trụ/ha.

Tây Nguyên: keo dậu, giả anh đào hoặc còn gọi là đỗ quyên (Gliricidia sepium), muống đen (Cassia siamea), lồng mức trồng với Khoảng cách 2,5 x 2.5 m hoặc 3,0 x 3,0 m, mật độ 1.100 - 1.600 trụ/ha.

Đông Nam bộ: keo dậu, lồng mức, gòn (Ceiba pentandra), giả anh đào trồng với Khoảng cách 2.5 x 2.5 m hoặc 2,5 x 3.0 m, mật độ 1.100 - 1.300 trụ/ha.

Cách trồng trụ sống: Trồng trụ trước khi trồng hồ tiêu1 - 2 năm. Khoảng cách giữa cây trụ và cây hồ tiêu từ 50 - 60 cm để không đan rễ vào nhau. Trường hợp nếu trồng trụ sống cùng năm với trồng hồ tiêu thì phải trồng trụ tạm (cây trụ gỗ tạp) cao 1,5 - 2 m để hồ tiêu leo trước, sau 2 năm chuyển cây hồ tiêu sang trụ thực sinh. Mùa mưa cần cắt tỉa trụ thực sinh nhiều lần để thân trụ phát triển thẳng đứng.

3.2. Trụ gỗ (không khuyến khích): Hiện nay các vùng có diện tích hồ tiêu trồng mới ít sử dụng trụ gỗ.

3.3. Trụ làm bằng vật liệu khác

Trụ gạch: Đường kính gốc trụ: 0,8 -1,0 m; Đường kính ngọn trụ: 0,6 - 0,8 m; Chiều cao trụ: 3,2 - 3,5 m; Khoảng cách: 3,0 x 3,0 m hoặc lớn hơn tùy thuộc theo đường kính ở gốc bồn. Nhược điểm của trụ gạch: chi phí cao, mật độ trụ/ha thấp (Khoảng 1.000 trụ/ha) nên hiệu quả kinh tế không cao.

Trụ tiêu bằng gạch (ảnh intermet)

Trụ bê tông: Chiều rộng Phần gốc trụ từ 20 - 22 cm; Chiều rộng Phần ngọn trụ từ 17 - 19 cm; Chiều cao trụ: 4 - 4,5 m; Khoảng cách: 2,0 - 2,5 m x 2,0 - 2,5 m. Hình dáng trụ phù hợp là đúc vuông hoặc lục giác rỗng bên trong, có 3 - 4 cây sắt phi 10 - 12 mm làm cốt. Duyên hải miền Trung không nên dùng trụ gạch và trụ bê tông, do khí hậu nắng nóng và mưa nhiều. Cần làm giàn mái che cho hồ tiêu trồng mới, có thể dùng lưới che công nghiệp, lá dừa, phên tre hoặc các vật liệu che chắn nhẹ.

4. Thời vụ trồng

Thời vụ trồng vào đầu mùa mưa và kết thúc trước mùa khô Khoảng 1.5 tháng.

Tây Nguyên: cuối tháng 5 đến đầu tháng 8;

Đông Nam bộ: tháng 6 đến tháng 8;

Trung bộ: tháng 9 đến tháng 10.

5. Giống hồ tiêu: Nước ta, hiện có một số giống hồ tiêu chủ yếu sau:

Nhóm giống hồ tiêu lá nhỏ: gồm các giống hồ tiêu sẻ Đất Đỏ. sẻ Mỡ. Giống có lá nhỏ, chùm quả ngắn, màu lá không đậm, chiều dài chùm quả Khoảng 8 cm, hạt nhỏ.

Nhóm giống hồ tiêu có lá trung bình: gồm các giống hồ tiêu Vĩnh Linh, sẻ Phú Quốc, sẻ Lộc Ninh. Giống có cỡ hạt lớn trung bình, chiều dài chùm quả trung bình Khoảng 11 cm;

Nhóm giống hồ tiêu có lá lớn: gồm giống hồ tiêu Trâu có lá lớn, chùm quả dài, hạt lớn, nhưng năng suất không cao.

Ngoài ra, một số giống hồ tiêu Ấn Độ (Panniyur và Karimunda) được nhập nội vào nước ta. Giống có chùm quả dài. Tỷ lệ đậu quả/giẻ cao, cho thu hoạch sớm.

Ươm hom giống hồ tiêu (ảnh interner)

6. Nhân giống hồ tiêu: Chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt, không nhiễm sâu bệnh hại, phù hợp với Điều kiện sinh thái vùng trồng.

Hom giống: Cành tược (dây thân): hồ tiêu trồng từ cành tược mau cho quả hơn (sau 2 - 3 năm trồng), năng suất cao và tuổi thọ kéo dài từ 15 - 20 năm, tỷ lệ hom sống đạt cao (Khoảng 90%). Cành lươn: hồ tiêu trồng từ cành lươn cho quả chậm hơn và phải đôn hay đốn hồ tiêu, thường từ năm thứ 3 - 4 sau khi trồng. Tuy vậy cây hồ tiêu cho năng suất cao, ổn định và lâu già cỗi, có tỷ lệ nhiễm các loại bệnh ít hơn nên hiện nay đang khuyến khích sử dụng.

Kỹ thuật cắt hom: Lấy hom bánh tẻ, cắt cách ngọn ít nhất 20 - 25 cm. Cắt hom hồ tiêu vào mùa mưa nhưng chọn ngày tạnh ráo để cắt. Cắt chừa gốc một đoạn 25 - 30 cm, Phần dưới của hom cắt xéo cách đốt cuối cùng Khoảng 2 cm, cắt bỏ những lá ở đốt được vùi vào đất và chỉ để lại 2 - 3 lá. Hom hồ tiêu cắt xong cần ươm ngay, nếu vận chuyển đi xa cần bó mỗi bó 50 hom, đặt trong thùng xốp, phun nước đều. Chú ý vệ sinh dụng cụ cắt hom để phòng ngừa bệnh lây lan.

Tiêu chuẩn hom hồ tiêu giống: Hom hồ tiêu dây lươn: Hom bánh tẻ có 2 - 3 đốt, lấy ở vườn nhân giống 4 năm tuổi và không bị sâu bệnh hại; Hom hồ tiêu dây thân: Hom bánh tẻ, đường kính hom lớn hơn 5mm, có 3 - 5 đốt, các đốt có rễ bám tốt, hom có ít nhất một cành quả, được lấy ở vườn nhân giống hồ tiêu không bị sâu bệnh hại.

Xử lý hom giống: Để hom giống mau ra rễ, trước khi giâm hom hồ tiêu được ngâm trong dung dịch NAA nồng độ 500 - 1.000 ppm hoặc IBA nồng độ 50 - 55 ppm, nhúng Phần gốc 2 - 3 cm trong 5 giây, sau đó ngâm toàn bộ hom trong dung dịch có hoạt chất Benomyl nồng độ 0.1 % trong 30 phút.

Ươm hom: Sau xử lý hom, có thể ươm hom vào luống hoặc vào bầu.

Luống: có chiều dài 5 - 6 m, rộng 1 - 1,2 m, đất trên luống cần trộn đều với phân theo liều lượng 25 - 30 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg super lân cho 10 m2 luống. Ươm hom đặt xiên 45°, hom cách hom 15-20 cm, luống phải có mái che, hệ thống phun sương để tạo độ ẩm thích hợp cho hom hồ tiêu ra rễ.

Bầu: có thể dùng bầu PE, đối với hom lươn bầu có kích thước 12 x 22 cm; đối với hom thân bầu có kích thước 17 - 18 cm x 28- 30 cm, bầu PE được đục 8 - 10 lỗ thoát nước. Đất vào bầu có thành Phần: 2 Phần đất tơi xốp + 1 Phần phân chuồng hoai, mụn xơ dừa hoặc tro trấu đã xử lý, trộn đều 0.5 kg phân super lân cho 200 kg hỗn hợp đất và phân chuồng, mỗi bầu ươm 02 hom lươn hoặc 01 hom thân.

Làm giàn che, cao Khoảng 1,8 m, Điều chỉnh ánh sáng tăng dần, khi xuất vườn đảm bảo 70 - 80 % ánh sáng chiếu xuống vườn để luyện cây.

((Bài tiếp theo : Kỹ thuật trồng hồ tiêu)

(Theo Bộ NN&PTNN)

Quý bà con nông dân có thông tin cần chia sẻ hoặc thắc mắc thì hãy liên hệ:
Mạng lưới nông dân Việt Nam - Farmers Vietnam
Hotline/zalo: 0989.777.523
Email: info@farmersvietnam.vn

 

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận