(Phần 1) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng hiệu quả cho nông dân - Kỹ thuật trồng

(Phần 1) Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng hiệu quả cho nông dân - Kỹ thuật trồng

Cây sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới rất được ưa chuộng ở các nước Đông Nam Á. Do yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ngày càng cao hơn, các nước như Mã Lai và Thái Lan tập trung nghiên cứu và phát triển cây sầu riêng từ nhiều năm trước đây. Nhờ có phương hướng phát triển rõ ràng, Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng đi nhiều nước và có rất nhiều tiến bộ về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng.

Tại Việt Nam, cây sầu riêng đã phát triển từ lâu, được quan tâm và đầu tư phát triển trong thời gian gần đây, nếu được trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây sầu riêng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với các loại cây trồng khác.

1. Điều kiện sinh lý của cây sầu riêng

Sầu riêng là cây ưa khí hậu nóng, độ ẩm không khí cao. Không ưa với khí hậu nóng và khô hanh. Không chịu đất phèn, mặn và úng, phát triển kém trên đất sét nặng.

Lá là nơi dự trữ thức ăn chính của cây nên khi lá rụng là cây suy yếu và chết. Trong giai đoạn chín mà mưa nhiều thì thịt trái sẽ nhão. Cây sầu riêng không chịu được gió mạnh vì là loại thân gỗ yếu và có bộ rễ nông. Cây có thể phát triển và sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng tốt nhất là đất thịt, thoát nước tốt, độ dốc không quá 300, gần nguồn nước tưới.

2. Giống trồng

Sầu riêng không phải là cây tự thụ phấn mà là cây thụ phấn chéo nhờ côn trùng, gió, do đó nếu trồng bằng hạt thì sẽ xảy ra biến dị lớn. Vì vậy nên:

+ Trồng sầu riêng bằng cây ghép mắt hoặc ghép cành.

+ Cần trồng ít nhất 2 giống trên vườn để sự thụ phấn chéo xảy ra làm đậu trái sầu riêng tốt hơn.

3. Kỹ thuật ghép

Gốc ghép: Được ương từ hạt sầu riêng thường.

Cành, mắt ghép: Được chọn từ cây mẹ đầu dòng.

Phương pháp ghép: Ghép cành và ghép mắt

4. Khoảng cách trồng

Tốt nhất nên trồng thưa để vườn thông thoáng, cây khoẻ mạnh, dễ chăm sóc và ít bị bệnh thối trái. Tuỳ theo thực tế mà có nhiều phương thức trồng như trồng thuần hay trồng xen. 

Nếu trồng thuần: 125 cây – 156 cây/ha ( 8m x 8 –10m/cây)

Nếu trồng xen: 70 cây – 100 cây/ha (10m x 12m/cây)

Cách trồng theo hình tam giác

5. Chuẩn bị hố trồng

Kích thước hố: Đất tốt thì 60 x 60 x 60cm; Đất xấu thì 70 x 70 x 70cm.

Bón lót: 15 – 20kg hữu cơ + 0,5kg super Lân + 200g NPK 16-16-8/hố, 10-20g Diazinon (Basudin 10G), Carbofuran (furadan 3G),… để trừ mối, dế, kiến và sâu đất.

6. Cách trồng

Đảo trộn hỗn hợp đất và phân sau đó lấp hố trước khi trồng 10-15 ngày. Moi giữa hố 1 lỗ vừa bịch cây con.  Xé bỏ bầu sao cho không bị vỡ bầu. Đặt cây vào hố trồng, lấp đất ngang mặt bầu cây con. Những nơi đất cao, sườn dốc, nên trồng âm sâu hơn mặt đất. Lấp kín mặt bầu, dậm chặt. Cắm cọc và buộc giữ cây con khỏi đổ ngã. Vun mu rùa xung quanh gốc cây chống đọng nước. Sau đó phủ kín cỏ rác để giữ ẩm cho cây.

(Theo Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng)

(Bài tiếp theo: Kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng)

Quý bà con nông dân có thông tin cần chia sẻ hoặc thắc mắc thì hãy liên hệ:
Mạng lưới nông dân Việt Nam - Farmers Vietnam
Hotline/zalo: 0989.777.523
Email: info@farmersvietnam.vn

 

 
← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận