Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?
- Người viết: Admin lúc
- Chuyện nhà nông 2
- - 0 Bình luận
Tôi chẳng biết ba má tôi chọn nghề Nông kể từ khi nào, chỉ biết từ khi tôi sinh ra đời đã gắn liền với nghề Nông, với mảnh đất màu mỡ của quê hương, một vùng đất đỏ bazan thuộc xã Kim Long, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu – nơi có những người con từ miền Quảng Ngãi xa xôi, di cư vào, gọi là đi “kinh tế mới” mấy chục năm về trước. Cứ như thế, tuổi thơ tôi gắn liền với nghề Nông, với những ngọt ngào nhưng cũng không kém phần đắng cay, vất vả.
(Ảnh trong bài dự thi)
Tôi nhớ, tuổi thơ tôi là những ngày đi học 1 buổi, 1 buổi 6 chị em tôi phụ ba má làm vườn. Mảnh vườn của ba má tôi rộng gần 15.000m2, tương đương gần 1,5 ha, cũng gọi là khá rộng. Đó là thành quả những tháng năm mòn mỏi ba má tôi từ quê nhà Quảng Ngãi, lên Buôn Mê Thuột khai hoang ở vài năm, sau đó quyết định chọn Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi dừng chân, an cư lập nghiệp từ năm 1983 đến giờ, cũng tròn 40 năm chẵn.
Trên mảnh vườn ấy, ba má tôi trồng nhiều loại cây kinh tế, bao gồm: café, điều, tiêu, ngoài ra dành một phần đất để trồng rau trái và cây ăn quả: sầu riêng, xoài, ổi, mít, chuối,…Nếu ai hỏi làm Nông cực không? Tôi không ngần ngại trả lời rằng: Cực, rất rất cực. Khi ấy, một buổi chị em tôi đi học, 1 buổi phụ ba má làm vườn, khi thì hái tiêu, khi thì hái trái cà phê, lượm hạt điều tùy vào mùa vụ. Những lúc không thu hoạch thì là làm cỏ bằng cuốc hoặc nhổ bằng tay, quét dọn lá điều, đốt cho sạch, bấm cành cà phê hoặc đào bồn cho cà phê, tiêu, tưới nước mùa nắng,…
(Ảnh trong bài dự thi)
Để thu hoạch ra được những thành phẩm nông sản: Tiêu, điều, cà phê,.. quả thực bà con nông dân vất vả lắm. Tôi nhớ những lần hái cà phê bị kiến vàng cắn sưng cả người, kiến bò cả vào mắt cay xè, những lần leo thang cao cả 6-7m để hái tiêu, khiêng cái thang nặng trịch có khi bị đập cả vào đầu, những lần đi cuốc cỏ chai cả tay khi trên đầu nắng cháy, vã cả mồ hôi. Có những hôm đang làm ngoài vườn mà trời chuyển mưa là lục đục cả nhà cùng nhau chạy ào vào nhà để thu gom tiêu, cà phê đang phơi ngoài sân sợ ướt. Rồi nào làm hết ngày ngoài vườn là vào nhà xay, quạt cà phê, tiêu đến mờ mịt tối.
14-15 tuổi, quen với chất nhà Nông, tôi đã có thể cùng các chị gái, em trai mình vác cả bao tiêu, cà phê nặng 40-50kg sau khi thu hoạch được từ vườn vào nhà, cầm cuốc đào bồn cà phê, tiêu một cách điệu nghệ không thua gì sức con trai. Những ngày ấy lao động chân tay cực nhọc nhưng chị em tôi khỏe lắm, hầu như không biết bệnh vặt là gì.
(Ảnh trong bài dự thi)
Năm 1996, khi ấy tôi 12 tuổi, tôi nhớ nhà tôi trúng mùa, trúng giá cà phê, ba má tôi quyết định xây căn nhà tường ngói kiên cố, rộng rãi thay cho căn nhà tranh vách đất hiện hữu. Căn nhà bấy giờ tôi nhớ mang máng chi phí xây đâu đó xây 200 triệu. Số tiền này, gần 30 năm trước, đó là cả gia tài, là thành quả ba má tôi đã gầy dựng được cho gia đình và các con sau từng ấy năm trọn vẹn với nghề Nông.
Ngôi nhà nhỏ được hình thành (Ảnh trong bài dự thi)
Có những khi được mùa, được giá là thế, tôi nhớ có năm tiêu trúng mùa, trúng giá, bà con trong xóm ai cũng phấn khởi, mừng vui nhưng ngược lại có những năm tiêu bị vàng úa, chết gốc rồi mất giá là những năm khó khăn chồng chất. Nghề Nông lúc ấy không ổn định vì còn phụ thuộc vào “Thiên thời, Địa lợi”.
Những chú dê được nuôi để dùng lá cây, cỏ trong vườn (Ảnh trong bài dự thi)
Những năm tháng ấy, khi khai thông tin ba má mình trong sổ học bạ, tôi luôn ghi nghề nghiệp của ba má là “Làm Nông”. Nhìn qua bạn bè, những đứa ở phố, ba mẹ tụi nó làm nghề Kinh doanh, Bác sĩ, Xây dựng, Kỹ sư,… đứa trẻ trong tôi cũng từng có phút chạnh lòng, hỏi ba: “Tại sao ba má chọn nghề Nông, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” vất vả mà không là nghề khác?”. Ba tôi nhẹ nhàng “Ngày xưa ba má không có điều kiện để đi học, chỉ học tới lớp 2, lớp 3 nên nghề Nông là nghề phù hợp nhất. Nghề này tuy vất vả nhưng tạo ra giá trị, nông sản cung ứng cho xã hội. Nếu như ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai hả con? Chỉ cần mình tự tay làm ra những đồng tiền chân chính thơm mùi mồ hôi, thơm mùi chất xám của mình thì nghề nào cũng đáng trân quý con ạ.”
Dần dần khi càng trưởng thành tôi càng nhận ra, nghề Nông vất vả nhưng lắm đỗi tự hào. Chính nghề Nông của ba má đã nuôi lớn 6 chị em tôi khôn lớn, thành người. Trong 6 chị em tôi thì đã có đến 4 chị em tiếp nối nghề của ba má: làm Nông. Riêng em trai kế tôi học hành ngành xây dựng, sau nhiều năm bôn ba đất khách mưu sinh, sau cùng cũng quyết định trở về với quê hương, bám trụ với mảnh vườn, với nghề Nông. Chỉ còn riêng tôi, vẫn trụ lại với Sài Gòn hoa lệ làm công việc phụ trách truyền thông cho một Tập đoàn lớn nhưng tôi vẫn mãi đau đáu về nghề Nông.
Tăng gia sản xuất với mô hình nuôi thỏ (Ảnh trong bài dự thi)
Tôi từng nghĩ đến mảnh vườn trồng đầy sả, nghệ của ba má, về những sản phẩm tinh dầu sả, bột nghệ, tinh bột nghệ, mỹ phẩm từ nghệ; tôi nghĩ về vườn bưởi da xanh của ba má hiện hữu, về những dòng sản phẩm liên quan đến bưởi: tinh dầu bưởi, dầu gội bưởi, cùi bưởi, lá và bông bưởi làm nguyên liệu nấu nước gội đầu thủ công,… Tôi nghĩ nhiều lắm, mãi đau đáu về những sản phẩm thiên nhiên thuần túy tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Đã có lúc tôi muốn dừng lại tất cả công việc ở đây, trở về quê để bắt đầu công việc mà mình đam mê, trăn trở. Làm Nông bây giờ không phải là việc của những “người ít học” như ba tôi nói ngày xưa mà là cần áp dụng công nghệ mới, cần những “cái đầu sáng tạo” mới, dám nghĩ, dám làm để đưa ra thị trường những sản phẩm “xanh”, đáp ứng nhu cầu, xu thế người tiêu dùng nên bây giờ mới có những người trẻ, trí thức “bỏ phố về quê”, về sống với mảnh vườn, cây cối, tự tay làm ra những sản phẩm thuần nông, tuy khó khăn, vất vả nhưng tự tại, an nhiên, không tất bật, đua chen với khói bụi thị thành tấp nập.
Ba má tôi bây giờ, con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng, căn nhà cấp 4 rộng lớn ngày xưa ba má xây cho gia đình 8 người, giờ chỉ còn ba má tôi và cậu út chưa lập gia đình sinh sống. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền trên vai ba má tôi không còn lớn nữa, cũng là lúc ba tôi dần chuyển mô hình từ cây kinh tế lâu năm (tiêu, điều, cà phê) sang cây ăn quả và hoa màu bởi ba tôi giờ cũng sắp 70, không còn mạnh khoẻ làm vườn như trước.
Giờ đây, trên mảnh vườn ấy, một phần ba tôi dành ra trồng 100 gốc bưởi da xanh, nay đã sang mùa thu hoạch thứ 5 - 6, một phần ba trồng nhiều bơ 034 cũng để làm kinh tế, phần đất còn lại ba má chỉ trồng rau, quả để phục vụ nhu cầu gia đình cũng như cho, tặng bà con lối xóm. Thỉnh thoảng để đỡ buồn cũng như có thêm thu nhập, ba má tôi nuôi thêm dê, thỏ, gà rồi trồng thêm cà tím, đậu bắp, đậu đen, đậu phộng, khổ qua, dưa leo,… có khi cả hoa vạn thọ mùa tết rồi thu hoạch mang ra chợ bán hoặc thương lái vào mua.
Vườn hoa Tết của Ba Má ((Ảnh trong bài dự thi)
Nhìn ba má lớn tuổi vẫn quần quật cả ngày với mảnh vườn sáng tối, chị em tôi khuyên ba má nghỉ ngơi nhưng ông bà nói “Làm lụng quen rồi, nghỉ lại thấy tay chân thừa thải, thêm nữa trồng có cái cho tụi con mỗi lần về có cái ăn”.
Đã có lúc, tôi muốn trở về quê, sáng sáng ngồi hiên nhà thưởng trà, cà phê rồi cầm cuốc ra vườn như ba má, khoẻ thì làm, mệt thì nghỉ, chẳng cần phải áp lực, chạy KPI, chạy dealine như hiện tại. Thế nhưng với tôi, giờ chưa phải là lúc. Tôi vẫn mong con cái mình lớn hơn một chút, tự lập một chút rồi tôi sẽ bàn với chồng, cả hai trở về quê nhà để sống với nghề Nông, để trở thành những người nông dân chân lấm tay bùn, để tự tay làm ra những sản phẩm thiên nhiên tốt nhất, để sống những tháng ngày tuy cực nhọc, vất vả nhưng lại bình yên.
Bài viết tham gia Thử thách "Tôi Chọn Nghề Nông" do Mạng lưới Nông Dân tổ chức
Quý bà con nông dân, đối tác có nhu cầu hợp tác vui lòng liên hệ:
Mạng lưới nông dân Việt Nam - Farmers Vietnam
Hotline/zalo: 0989.777.523
Email: info@farmersvietnam.vn
Viết bình luận
Bình luận