Việt Nam có thể thu 2 tỷ USD từ việc bán gia vị đi khắp thế giới
- Người viết: Tuyet Anh lúc
- Chính sách nông nghiệp
- - 0 Bình luận
Tiềm năng lớn từ thị trường xuất khẩu gia vị 19 tỷ USD
Chỉ cần nhìn sơ qua gian bếp nhỏ của mỗi gia đình là có thể kể ra hàng chục loại gia vị quen thuộc, trong đó có những loại không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày như hành, tỏi, hạt tiêu, ớt, gừng, sả, các loại gia vị lá, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt... Sản phẩm gia vị Việt Nam ngày càng nối dài danh sách với hàng trăm loại bao gồm cả gia vị thô lẫn các loại sốt và gia vị pha trộn sẵn hoàn chỉnh.
Ước tính của các chuyên gia, thị trường gia vị toàn cầu lên đến 19 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng 15-20%. Tại Việt Nam tuy chưa có con số thống kê nhưng ngành chế biến gia vị cũng mang lại hàng triệu USD cho doanh nghiệp khi sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu khắp thế giới.
Năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu của hồ tiêu và gia vị Việt Nam đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ngành gia vị đang đặt mục tiêu xuất khẩu lên con số 2 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: viethuong
Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh cho biết, nhu cầu tiêu dùng gia vị trên thế giới rất lớn và nguyên liệu sản xuất những mặt hàng này của Việt Nam rất phong phú. Riêng với hồ tiêu, hiện Việt Nam đứng thứ nhất thế giới về nguồn cung, trong đó năm 2023 đã xuất khẩu 267.000 tấn. Trung bình mỗi năm, Phúc Sinh xuất khẩu 6.000 container hạt tiêu và các loại gia vị tiêu (tiêu tiệt trùng, sốt tiêu…) sang thị trường nước ngoài.
"Hiện 50% sản phẩm sốt tiêu được sử dụng trên thế giới là của Phúc Sinh và 70% thị phần tiêu tại Israel cũng do công ty cung ứng", ông Phan Minh Thông cho biết. Năm 2023, Công ty cổ phần Phúc Sinh tiếp tục dẫn đầu về doanh số xuất khẩu gia vị của cả nước với mức tăng trưởng khoảng 18% so với năm 2022. Riêng công ty xuất khẩu gia vị của Phúc Sinh tăng thị phần từ 8,4% trong năm 2022 lên 15,1% tại thị trường châu Âu.
Các doanh nghiệp trong ngành gia vị và hương liệu đã đi qua thời kỳ khó khăn và đang đầu tư phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, tăng cường các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao hơn. "Trong năm 2023, công ty chúng tôi đã xây dựng hoàn thiện một nhà máy chế biến với các thiết bị nhập khẩu từ Pháp, chủ yếu phục vụ cho công tác chế biến sâu. Theo đó chúng tôi không chỉ nghiền những hạt tiêu mà còn tất cả các loại gia vị khác", ông Thông cho biết.
Các sản phẩm từ hạt tiêu của Công ty Cổ phần Phúc Sinh.
Không chỉ hồ tiêu, từ nhiều năm nay, Việt Nam còn xuất khẩu rất nhiều gia vị thô như quế, hồi, đinh hương, ớt, gừng, tỏi… Theo Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị (VPSA), Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, đạt 46.000 tấn, sau Indonesia và Trung Quốc. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 89.383 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 260,9 triệu USD, tăng 14,6% về lượng và nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022.
Với cây hồi, Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu, sau Trung Quốc, với sản lượng hàng năm ước khoảng 20.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 55.000 ha.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, các sản phẩm gia vị hoàn chỉnh cho nhiều món ăn đã ngày càng phổ biến trong thói quen tiêu dùng, như gia vị nấu phở, nấu bún bò, bún riêu, bún mắm, các loại xốt ướp món ăn, tương ớt...
Được mệnh danh là "ông trùm gia vị" của Việt Nam khi sản phẩm được phủ khắp các hệ thống siêu thị trong nước, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP DhFoods, cho biết nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay thay đổi, họ muốn sử dụng nhiều hơn gia vị đặc sản vùng miền nhưng phải tiện lợi và bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông Dũng hy vọng ngành gia vị chế biến của Việt Nam có thể đi theo con đường của Thái Lan để có mặt tại các kệ siêu thị toàn thế giới.
Năm 2023, lần đầu tiên Công ty CP Dh Foods của ông Dũng đạt được thỏa thuận đưa hàng gia vị lên kệ siêu thị Carrefour và E.Leclerc của Pháp. Hệ thống E.Leclerc hiện có 583 đại siêu thị, 65 siêu thị, gần 100 cửa hàng tiện lợi; còn Carrefour đang có 253 đại siêu thị và hơn 3 nghìn siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn nước Pháp. Container hàng 20 feet đầu tiên này trị giá khoảng 40.000 USD, bao gồm nhiều loại gia vị Việt như muối chấm hoa quả, muối ớt chanh Nha Trang, sốt kim quất, sa tế, gia vị nấu phở, gia vị ướp thịt nướng…
Trao đổi với Dân Việt, ông Dũng tiết lộ, năm 2023 Dh Foods đạt doanh thu 180 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022. Dh Foods hiện có hơn 170 mã sản phẩm với đầy đủ những loại gia vị tự nhiên, chấm, nấu, ướp… từ loại phổ biến đến đặc sản của nhiều địa phương.
Các mặt hàng, sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.
Ông Dũng kể thêm: "Sau khi tham gia triển lãm SIAL PARIS vào tháng 10/2022, có nhiều khách hàng, đối tác tiềm năng đến từ Pháp và các nước châu Âu như Hà Lan, Anh, Đức, Séc, Slovakia, Ba Lan... quan tâm đến các sản phẩm của Dh Foods. Việc xuất khẩu hàng vào Pháp đã trở thành động lực lớn để chúng tôi quyết tâm chinh phục thị trường khó tính như châu Âu".
Theo ông Lê Việt Anh - Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu và gia vị Việt Nam (VPSA), nhu cầu về gia vị của các thị trường thế giới vẫn ở mức cao không chỉ trong ngành thực phẩm mà còn được tiếp tục nghiên cứu và phát triển để đáp ứng nhu cầu trong ngành dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Cùng với đó là những thuận lợi như: Chính phủ, bộ, ngành có có vai trò quan trọng việc cập nhật các chính sách hỗ trợ ngành hàng hồ tiêu phát triển là một trong những ngành chủ lực xuất khẩu của Việt Nam; Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định EVFTA, CPTTP... Đó là những thuận lợi lớn mà các doanh nghiệp ngành gia vị cần tận dụng triệt để.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn sản xuất các loại gia vị như quế, hồi, các loại rau gia vị đặc trưng cho ẩm thực châu Á. Bên cạnh các thị trường trọng điểm, thị trường có nhiều cộng đồng cư dân châu Á sinh sống cũng là hướng đi mới với khách hàng tiềm năng trong tiêu dùng các sản phẩm đặc sản nhiệt đới và sản phẩm gia vị.
Tuy nhiên, ngành gia vị Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngoại trừ hồ tiêu, các mặt hàng gia vị khác như quế, hoa hồi, ớt… chưa có định hướng chiến lược phát triển bền vững cấp quốc gia; các doanh nghiệp vẫn thiếu về công nghệ, vốn để đầu tư chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm; các loại chi phí gia tăng tác động lớn đến nguồn cung…
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, ông Việt Anh cho rằng, phải cải thiện chất lượng và giảm chi phí sản xuất để tạo ra sản phẩm giá trị đạt chất lượng cao và có tính cạnh tranh hơn. Duy trì ổn định diện tích các loại cây gia vị theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đặc biệt, cần có quy hoạch tổng thể các vùng trồng, sản xuất để các nhà đầu tư yên tâm và có chiến lược đầu tư dài hạn….
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hoàng Thị Liên nhận định, ngành hồ tiêu và gia vị cần tập trung xây dựng vùng sản xuất, mở rộng mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu... "Đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, đa gia vị chứ không chỉ dừng ở cây tiêu và quế, qua đó định vị quốc gia cây gia vị trên thị trường thế giới, xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD trong 3 năm tới là mục tiêu của toàn ngành", bà Liên khẳng định.
Nguồn: Dân Việt
Viết bình luận
Bình luận