Nông nghiệp sinh thái và vai trò của nông nghiệp sinh thái trong nền nông nghiệp
- Người viết: Người viết ẩn danh lúc
- Chính sách nông nghiệp
- - 0 Bình luận
Nông nghiệp sinh thái không phải là một khái niệm mới. Kể từ những năm 1920, cụm từ NNST đã được đề cập trong các tài liệu khoa học và thể hiện trong các tiến bộ kỹ thuật, thực hành sản xuất của nông hộ, trong các phong trào xã hội vì sự bền vững và trong chính sách công của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, vì chỉ đề cập NNST trên khía cạnh kỹ thuật nên NNST khó mở rộng do có nhiều hạn chế khác liên quan đến kinh tế - xã hội, môi trường.
Cho đến nay, có nhiều cách nhìn nhận, cách hiểu khác nhau về NNST, thể hiện sự phát triển của khái niệm toàn diện hơn và chú ý đến việc làm thế nào mở rộng nguyên lý của NNST trong toàn bộ nền nông nghiệp. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đã tổng hợp và hệ thống hóa lý luận về NNST. Theo đó, nền NNST được định nghĩa là một phương pháp tiếp cận tổng hợp chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế của các hệ thống lương thực, thực phẩm thông qua việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ thông minh và thân thiện với môi trường; sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ít phát thải, không tác động xấu đến sức khỏe con người; phát huy tính đa dạng, giá trị văn hóa của hệ thống để nâng cao giá trị nông sản nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trò chuyện với
nông dân ở vùng chuyển đổi đất lúa và đất vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi
tập trung quy mô hàng hóa tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình Nguồn: nongnghiep.vn
Với cách tiếp cận nêu trên, NNST được thể hiện ở 10 yếu tố cơ bản(3):
Một là, tính đa dạng: NNST nhấn mạnh tính đa dạng của các hệ thống sản xuất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng trong khi vẫn bảo tồn, bảo vệ và tăng cường được các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các hệ thống sản xuất NNST có tính đa dạng cao, như các hệ thống nông, lâm kết hợp; nông, lâm kết hợp trồng xen thức ăn gia súc, kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản và nuôi trồng đa canh, góp phần tạo ra một loạt các lợi ích về sản xuất, kinh tế - xã hội, dinh dưỡng và môi trường.
Hai là, chia sẻ kiến thức và cùng sáng tạo: NNST chú trọng đến việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cùng sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức truyền thống, thực tiễn và tri thức địa phương với tri thức khoa học toàn cầu.
Ba là, tính cộng hưởng: NNST chú trọng xây dựng mối quan hệ cộng hưởng dựa trên việc thiết kế các hệ thống đa dạng được kết hợp có chọn lọc các loại cây trồng, vật nuôi, đất, nước và các thành phần khác trong trang trại và cảnh quan nông nghiệp để tăng cường quan hệ cộng hưởng trong bối cảnh khí hậu ngày càng biến đổi.
Bốn là, tính hiệu quả: NNST chú trọng tới tính hiệu quả thông qua việc tối ưu hóa sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước, không khí, năng lượng mặt trời... Nông nghiệp sinh thái ít sử dụng các nguồn lực bên ngoài có hại cho môi trường, từ đó giảm chi phí và các tác động tiêu cực đến môi trường.
Năm là, sự tái chế: NNST chú trọng tới việc bắt chước các hệ sinh thái tự nhiên, các thực hành NNST hỗ trợ các tiến trình sinh học thúc đẩy việc tái chu chuyển các chất dinh dưỡng, sinh khối và nước trong các hệ thống sản xuất.
Sáu là, sức chống chịu: NNST giúp tăng cường khả năng chống chịu về mặt sinh thái và kinh tế - xã hội, tăng cường khả năng phục hồi sau thiên tai, như hạn hán, bão, lũ và chống lại sự tấn công của sâu bệnh. Đa dạng hóa giúp giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương cho người sản xuất trong trường hợp thất bại với mỗi loại cây trồng hoặc mặt hàng; đồng thời, giảm thiểu việc phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào bên ngoài giúp hộ sản xuất tăng khả năng tự chủ và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế.
Bảy là, giá trị xã hội nhân văn: NNST tập trung vào các giá trị xã hội và con người, như nhân phẩm, công bằng, bao trùm và công lý. Các giá trị này đều góp phần tạo nên các sinh kế bền vững. Nông nghiệp sinh thái đặt nguyện vọng và nhu cầu của người sản xuất, phân phối và tiêu dùng lương thực, thực phẩm làm trung tâm của hệ thống lương thực. Nông nghiệp sinh thái cũng nhấn mạnh giải quyết bất bình đẳng bằng cách tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ và thanh niên.
Tám là, truyền thống ẩm thực và văn hóa: NNST phát huy các giá trị di sản ẩm thực và văn hóa địa phương, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng trong khi vẫn duy trì được sức khỏe của hệ sinh thái.
Chín là, quản trị có trách nhiệm: NNST tập trung vào đẩy mạnh quản trị có trách nhiệm thông qua các cơ chế quản trị minh bạch, có trách nhiệm và bao trùm. Tiếp cận công bằng đối với đất đai và tài nguyên không chỉ là chìa khóa của công bằng xã hội, mà còn là yếu tố cần thiết để thúc đẩy các khoản đầu tư dài hạn.
Mười là, kinh tế tuần hoàn và tương trợ: NNST kết nối người sản xuất và người tiêu dùng thông qua một nền kinh tế tuần hoàn và đoàn kết, ưu tiên thị trường địa phương và hỗ trợ phát triển theo lãnh thổ.
Có thể thấy, NNST dựa vào quy trình từ dưới lên và theo lãnh thổ, giúp cho việc đưa ra các giải pháp phù hợp với hoàn cảnh từng vấn đề của mỗi địa phương. Những đổi mới của NNST dựa trên đổi mới sáng tạo, kết hợp khoa học với kiến thức truyền thống và thực tiễn tại địa phương của người sản xuất. Bằng cách tăng cường khả năng tự chủ và năng lực thích ứng của nhà sản xuất, NNST giúp cải thiện năng lực cho các nhà sản xuất và cộng đồng địa phương - đóng vai trò là tác nhân chính tạo ra những thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Thay vì điều chỉnh các thực hành của hệ thống nông nghiệp không bền vững, NNST tìm cách chuyển đổi nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề theo cách tổng hợp và cung cấp các giải pháp tổng thể và lâu dài. Nông nghiệp sinh thái tập trung nhiều vào các khía cạnh xã hội và kinh tế của hệ thống lương thực, thực phẩm. Đồng thời, NNST cũng tập trung mạnh vào quyền của phụ nữ, thanh niên và người dân địa phương.
(Theo Vietnamnet)
Quý bà con nông dân có thông tin cần chia sẻ hoặc thắc mắc thì hãy liên hệ:
Mạng lưới nông dân Việt Nam - Farmers Vietnam
Hotline/zalo: 0989.777.523
Email: info@farmersvietnam.vn
Viết bình luận
Bình luận