Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Hướng tới gia tăng giá trị và bảo vệ môi trường

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Hướng tới gia tăng giá trị và bảo vệ môi trường

 

Trước tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế nông nghiệp tuần hoàn sẽ giúp phát triển bền vững các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Sơn La

Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất. Các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng chế biến nông, lâm, thủy sản, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sinh thái và sức khỏe con người.

Gác lại những công việc bộn bề, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến dẫn chúng tôi thăm xưởng chế biến cà phê tại bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La và giới thiệu: Công ty có xưởng chế biến cà phê công suất 15.000 tấn quả cà phê tươi/năm và xưởng chế biến cà phê thóc - cà phê nhân tại tổ 5, phường Quyết Tâm, công suất 20.000 tấn/năm; chế biến sâu khoảng 80-100 tấn/năm, mỗi năm thải ra hàng chục nghìn tấn vỏ cà phê.

Giải quyết bài toán này, doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, bảo đảm không có thành phần nào của quả cà phê bị loại bỏ. Công ty CP Tập đoàn Minh Tiến đã đầu tư công nghệ mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Cuối năm 2023, Công ty đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm ấn tượng được làm từ vỏ trấu cà phê, như bao bì sinh học, túi tự hủy, dao, thìa dĩa... góp phần bảo vệ môi trường sống.

Vấn đề bảo vệ môi trường trong sơ chế, chế biến cà phê luôn được Công ty quan tâm, chú trọng; tuyên truyền các hộ liên kết sản xuất triển khai các mô hình xử lý nước thải cà phê, không thải trực tiếp ra môi trường. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ tại nhà máy, xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ về xả thải tại nhà máy nhằm bảo vệ nguồn nước; xây dựng hệ thống tái sử dụng vỏ cà phê, xử lý khí đốt tạo nên luân chuyển tài nguyên, tránh tiêu tốn và lãng phí.

Công ty xây dựng xưởng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại xã Chiềng Xôm theo mô hình kinh tế tuần hoàn; phân bón hữu cơ vi sinh cung cấp cho vùng trồng cà phê Mai Sơn và thành phố Sơn La. Các nhà máy chế biến cà phê có hệ thống xử lý nước thải, sử dụng nước hồi lưu tiết kiệm được nước; sử dụng vỏ trấu cà phê để làm nhiên liệu sấy cà phê, với công nghệ lọc khói bụi trước khi thải ra môi trường.

Tiếp đó, tại nương cà phê của HTX nông nghiệp Co Sâu, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, thấy rõ thành quả của HTX khi ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến. Ông Quàng Văn Hồng, thành viên HTX, vui vẻ nói: Từ vụ cà phê năm 2022 đến nay, 21 thành viên HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ 100% sản phẩm và có hỗ trợ giá khi cà phê trên thị trường giảm sâu với Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến.

Được doanh nghiệp hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng cà phê theo quy trình VietGAP, năm nay, 23 ha cà phê của gia đình ông Hồng phát triển tốt, được mùa, lại được bao tiêu đầu ra nên thu nhập của người trồng cà phê nâng lên. 

Còn tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, với công suất 5.000 tấn mía/ngày và khoảng 600.000 tấn mía/vụ, thải ra hàng chục nghìn tấn bã mía và bã bùn mía mỗi năm. Giải quyết bài toán này, Công ty sử dụng công nghệ sinh học biến phế thải, rác thải thành nguyên liệu đầu vào trong sản xuất.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cho biết: Bã mía thải ra trong quá trình chế biến được Công ty sử dụng một phần làm nhiên liệu đốt phát điện cho nhà máy, giảm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, Công ty có một phân xưởng chế biến với dây chuyền sản xuất phân vi sinh từ 5.000-6.000 tấn phân bùn ủ men dùng cho bón thúc và bón lót vùng nguyên liệu mía và 3.000-4.000 tấn tro lò bón cho cây mía, rau, cây ăn quả. Sản xuất khép kín, tuần hoàn giúp Công ty tiết kiệm tối đa chi phí, bảo vệ môi trường sinh thái.

Lợi ích kép từ kinh tế tuần hoàn

Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Hợp Tiến (Mỹ Đức - Hà Nội) cho biết, thời gian qua, nhiều hộ dân tại địa phương đã áp dụng mô hình cấy lúa tuần hoàn gắn với khai thác, nuôi cua, cá... đạt giá trị cao, thậm chí cao hơn cả thu hoạch từ lúa. Thực tế cho thấy, nếu hộ dân gieo cấy vài sào ruộng thì một vụ sẽ thu được ít nhất từ 10-20kg cua, 5-10kg cá rô đồng, 10kg chạch đồng. Với mức giá bán ra như hiện nay là hơn 100.000 đồng/kg, nguồn nuôi thủy sản này đã mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân.

Thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tham mưu, xây dựng, triển khai nhiều dạng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, cho hiệu quả kinh tế cao.

Chăm sóc dưa lưới - mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn tại xã Hồng Quang (huyện Ứng Hòa).

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản năm 2023-2024, quy mô 170 con bò cái Zebu (lai Shind, lai Brahman…) tại các điểm xã: Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Phú Cường (huyện Ba Vì); Yên Bình, Hạ Bằng (huyện Thạch Thất); Cao Thành (huyện Ứng Hòa); Lê Thanh (huyện Mỹ Đức); Minh Trí, Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Đến nay, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn lợi cao.

Cùng với đó là các mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 15.000 con gà Mía, triển khai tại các điểm xã: Tích Giang (huyện Phúc Thọ), Thượng Vực (huyện Chương Mỹ), Tân Xã (huyện Thạch Thất), với 8 hộ tham gia; chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường, quy mô 450 con, triển khai tại các điểm xã: Trần Phú (huyện Chương Mỹ), Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), Sơn Đà (huyện Ba Vì), với 7 hộ tham gia…

“Thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn, nông dân được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, phát triển chuỗi liên kết, nhờ đó hiệu quả kinh tế tăng 15-20% so với sản xuất nông nghiệp truyền thống khác. Đáng chú ý, sản xuất kinh tế tuần hoàn cũng giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, có thể chế biến, tái sử dụng chất thải, phế phụ phẩm quay lại làm nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp, giảm lãng phí, cũng như góp phần bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng, giá trị cao”, bà Vũ Thị Hương cho biết thêm.

Ngành nông nghiệp bám sát lộ trình kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn được xem là xu thế tất yếu, mang lại lợi ích thiết thực như: Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, kết nối hài hòa lợi ích giữa các lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chăn nuôi - trồng trọt - thủy sản. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế tuần hoàn ở Hà Nội dù xuất hiện đã lâu song đến nay mới hoạt động ở mức nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự bài bản để có thể nhân rộng... Ngoài ra, sự gắn kết giữa các tác nhân trong mô hình kinh tế tuần hoàn còn yếu. Trong khi đó, việc nghiên cứu, chuyển giao, phổ biến, đầu tư cho khoa học, công nghệ, nhân lực trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn chưa được quan tâm đúng mức…

Để kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả, Phó Giám đốc Sở NN&MT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Sở đang kết nối các doanh nghiệp triển khai thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chăn nuôi phục vụ trồng trọt, tạo vòng tuần hoàn khép kín tại huyện Ba Vì. Trên cơ sở đó, Sở sẽ tổ chức đánh giá, nghiên cứu khả năng nhân rộng tới nhiều địa phương trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Sở NN&MT sẽ tập trung giới thiệu, chuyển giao sản phẩm khoa học - công nghệ để doanh nghiệp và người dân ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, chu trình khép kín tại tất cả lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp...); xác định thị trường đầu ra cho sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp…

Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành NN&MT đang thúc đẩy ứng dụng và triển khai nông nghiệp tuần hoàn được thể hiện rất rõ trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

Một số mục tiêu cụ thể được ngành NN&PTNT đề ra đến năm 2030 là ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực giảm 0,5% đến 1%/năm.

Tổng hợp từ Hanoimoi.vn, Danviet.vn, Baochinhphu.vn...

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận